Ngăn chặn bạo hành, thương vong cho trẻ nhỏ

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đứa trẻ mới 6 tuổi ở Quốc Oai (Hà Nội) đã từ giã cõi đời do người mẹ dùng chiếc muôi múc canh đánh 2 phát vào đỉnh đầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nước mắt của những người làm cha làm mẹ lại tuôn rơi khi đọc sự vụ này, dư luận lại thêm cơn phẫn nộ nhưng những vụ việc đau thương như vậy vẫn không ngừng xảy ra.

Cuối tháng 11/2022, án tử hình dành cho người "mẹ kế" Nguyễn Võ Quỳnh Trang do vụ bạo hành gây thiệt mạng cho đứa trẻ 8 tuổi không khiến dư luận nhẹ lòng. Cuộc xét xử diễn ra công khai nhưng vẫn chưa đủ làm bài học đắt giá để ngăn chặn những vụ việc bạo hành khác.

Pháp luật quy định cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái nhưng nghiêm cấm hành vi giáo dục bằng phương pháp sử dụng bạo lực.

Nhắc lại vụ việc ở Quốc Oai mới xảy ra vào ngày 9/12 vừa qua, theo thông tin ban đầu người mẹ nhiều lần dùng gậy tre, móc phơi quần áo, ống nhựa, ghế nhựa đánh vào mông, chân tay và người con mình vì lý do cũng rất dễ xảy ra ở trẻ nhỏ: Lười học không nghe lời. Và đỉnh điểm của hành động bạo hành là người mẹ sinh năm 1985 này đã dùng muỗng kim loại đánh 2 cái vào đầu của đứa trẻ 6 tuổi. Cũng nhiều người cho rằng, người mẹ không may đánh vào đúng chỗ hiểm nên dẫn đến hậu quả chết người.

Tuy nhiên, phải xác định ngay từ khởi điểm mọi hành vi đánh đập, chửi bới, mạt sát, xúc phạm con cái vì bất kỳ lý do gì cũng là vi phạm pháp luật. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của người phụ nữ này, xác định tính chất nghiêm trọng của sự việc để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng trước khi bị xử phạt thì người mẹ sẽ phải đối diện với tòa án lương tâm.

Để giảm thiểu những vụ việc bạo hành trẻ em do chính cha mẹ, người thân của trẻ em gây ra, các chuyên gia cho rằng phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp. Trong đó, cần có giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là chú trọng đến các cơ chế để đảm bảo quyền trẻ em không chỉ được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật mà còn phải được đảm bảo để thực hiện trong thực tế. Nên áp dụng triệt để các biện pháp hành chính và chế tài hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền trẻ em để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Cần phải đổi mới phương thức giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách lối sống để xây dựng, duy trì đạo đức xã hội, trong đó có lòng nhân ái, tình yêu thương con người; cần giáo dục kiến thức pháp luật, đặc biệt là quy định pháp luật về Quyền Trẻ em cho các bậc phụ huynh, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng và bảo vệ trẻ em…