Ngăn chặn cuộc gọi rác: Chờ đến bao giờ?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu mới được Bộ TT&TT công bố, trong 6 tháng đầu năm 2022, đã phát hiện được hơn 74 triệu cuộc gọi rác, tăng tới 53% so với cùng kỳ 2011.

Đây là con số thực sự lớn nếu biết Việt Nam đang có khoảng 124 triệu thuê bao di động, đồng nghĩa với việc cứ trung bình 2 sim di động sẽ chắc chắn nhận được 1 cuộc gọi rác trong thời gian qua.

6 tháng đầu năm 2022, đã phát hiện hơn 74 triệu cuộc gọi rác
6 tháng đầu năm 2022, đã phát hiện hơn 74 triệu cuộc gọi rác

Cũng trong quãng thời gian trên, các nhà mạng đã có nhiều động thái cứng rắn để ngăn chặn. Có thể kể đến như chặn hơn 150.000 thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, tăng cường xử lý các sim có thông tin không đúng quy định, ra mắt hệ thống nhận diện cuộc gọi rác…

Thời gian qua, các nhà mạng còn phối hợp với Cục A05 (Bộ Công an) để đẩy mạnh việc xử lý số điện thoại quảng cáo cho các hành vi vi phạm pháp luật như game bài, cờ bạc, mua bán vật liệu nổ, văn bằng giả… Một trong những nguồn phát tán cuộc gọi rác lớn nhất hiện nay.

Thậm chí về phía Bộ TT&TT còn có những biện pháp mạnh hơn như xem xét đưa tiêu chí phản ánh cuộc gọi rác từ người dùng là một trong các chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ của nhà mạng. Sẵn sàng xử lý hành chính lãnh đạo các nhà mạng nếu vẫn còn tình trạng mua bán tràn lan sim rác.

Mặc dù các nhà mạng thậm chí là cả Bộ TT&TT liên tục có những biện pháp nhằm triệt tiêu cuộc gọi rác, từ ban hành các quy phạm pháp luật cho đến giải pháp kỹ thuật mới nhưng bằng một cách nào đó, cứ mỗi khi nhìn lại thì số lượng các cuộc gọi rác vẫn cứ tăng ở mức đáng báo động với hàng chục phần trăm.

Có nhiều ý kiến cho rằng, con số hơn 74 triệu cuộc gọi rác được phát hiện ở trên chính là vấn đề. Đối với người dùng đây có là những cuộc gọi làm phiền nhưng nếu đứng ở phía nhà mạng có thể hiểu đây là doanh thu. Chặn triệt để cuộc gọi rác sẽ giúp người dùng hài lòng nhưng cũng là chính là lúc nhà mạng buộc phải cắt nguồn thu của chính mình. Lợi ích này quá khó để cân bằng. Không chỉ vậy, vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân của người dùng di động cũng đang bị thả nổi.

Khó có nơi nào như ở Việt Nam, khi hôm trước mới vào bệnh viện hôm sau đã có cuộc gọi mời mua bảo hiểm, hôm trước mới mua vé máy bay hôm sau đã có cuộc gọi mời đi xe đưa đón tới sân bay… Đáng chú ý, hàng trăm nghìn số điện thoại người dùng ở trên có thể dễ dàng mua qua mạng với giá cực kỳ rẻ mạt khi chưa đến 1 triệu đồng. Đây cũng chính là “kho tàng” cho các đối tượng phát tán cuộc gọi rác khai thác khi kinh phí bỏ ra thì ít nhưng lợi ích mang lại quá hấp dẫn.

Như vậy có thể thấy, đã đến lúc các cơ quan quản lý, cụ thể ở đây là vai trò của Bộ TT&TT cần có những chế tài mạnh mẽ, cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nhằm yêu cầu các nhà mạng chấp hành nghiêm túc Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Đồng thời cần triệt tiêu tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân người dùng. Có thể nói đây chính là các nền tảng quan trọng cần hoàn thiện trước khi đặt mục tiêu loại trừ vĩnh viễn cuộc gọi rác ra khỏi cuộc sống thường nhật của người dùng.