Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi: Kinh nghiệm từ những “ông lớn”

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc lây lan của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi đang tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch từ xa và chăn nuôi an toàn sinh học.

Thiết lập các vành đai chống dịch từ xa

Tại Hà Nội, DTLCP đã lan rộng ra 6 quận, huyện với tổng đàn lợn buộc phải tiêu hủy là 765 con. Đối tượng chăn nuôi bị lây nhiễm dịch thời gian vừa qua đa phần là cơ sở nhỏ lẻ cộng với sự chủ quan của người chăn nuôi. Trong khi đó, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chuyên nghiệp tới nay vẫn an toàn, bởi ngay từ đầu họ đã thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch.
Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống DTLCP, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam Nguyễn Văn Chiến cho biết: Ngay từ khi Trung Quốc công bố phát hiện DTLCP, công ty đã thiết lập các vành đai chống dịch từ xa, từ tìm hiểu cơ chế chính sách của Nhà nước khi bùng phát dịch, đến tìm hiểu cộng đồng, truyền thông. Đối với trang trại chăn nuôi cần phải có tường bao quanh.
 Phun tiêu độc khử trùng trang trại là giải pháp phòng dịch hữu hiệu. Ảnh: Phương Nga
Trong trang trại, cần thắt chặt việc tuân thủ tuyệt đối các quy trình phòng chống DTLCP. Đồng thời, công ty cũng nghiên cứu, biên soạn các tài liệu tuyên truyền cho toàn bộ nhân viên trong công ty cũng như các trại chăn nuôi của công ty hiểu thế nào về DTLCP. Trong đó nêu bật lên tính chất nguy hiểm, các con đường lây lan của dịch bệnh, để từ đó rút ra những nguy cơ cần quan tâm phòng tránh.
Cũng là một “ông lớn” trong ngành chăn nuôi, hiện Hợp tác xã chăn nuôi Hòa Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa đang nuôi hơn 20.000 con lợn. Để phòng chống dịch bệnh, HTX đã thực hiện khá đồng bộ các khâu phòng chống dịch ngay từ ban đầu, như tiêm phòng tăng sức đề kháng cho đàn lợn, rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng… Đây là các giải pháp giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm DTLCP.
“Ngay khi dịch xâm nhập vào Việt Nam, đơn vị đã thực hiện chế độ cấm trại với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Công nhân của trại không ra khỏi khu vực trại nuôi và thực hiện “4 tại chỗ” (ăn, ngủ, vệ sinh, lao động) để hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm bệnh dịch. Bên cạnh đó, thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực chuồng nuôi 3 lần/ngày, phun khu vực xung quanh, bên ngoài trang trại 2 lần/ngày” – ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX cho biết.
Thực hiện an toàn sinh học
Theo Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học cũng là một giải pháp hữu hiệu ngăn chặn DTLCP.
Theo đó, người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm tới khu vực chuồng trại, trại nuôi phải có tường rào bao quanh để kiểm soát được người và động vật ra vào. Trại nuôi phải bố trí riêng biệt các khu, khu chăn nuôi, khu vệ sinh, khu sát trùng, thiết bị chăn nuôi, khu mổ khám lâm sàng. Đối với thức ăn cho lợn, phải sử dụng thức ăn đảm bảo tiêu chuẩn khẩu phần ăn của các loại lợn, không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng.
Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý tới phương tiện ra vào trại; vật chủ trung gian quanh trang trại. Cần nghiêm cấm mang bất kỳ loại thực phẩm nào từ bên ngoài vào trại; không nuôi bất kỳ động vật nào khác (chó, mèo...) trong chuồng trại; tiến hành tiêu diệt các côn trùng xâm nhập vào trại như chuột, gián, ruồi, muỗi, nhện...
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Thời điểm này khí hậu miền Bắc đang trong tiết Xuân, lạnh kèm mưa phùn, nồm ẩm, rất thuận lợi cho virut gây bệnh DTLCP phát tán ra diện rộng.
Trong khi đó, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức phòng chống dịch còn chưa được đẩy cao đều là những yếu tố cực kỳ bất lợi cho công tác phòng, chống và ngăn chặn DTLCP bùng phát. Do đó, cần tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Định kỳ tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, các chợ, địa điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột, hóa chất. Vì vậy, thời điểm này cần thực hiện công tác đào tạo để các nhân viên thú y có được nhận thức tốt và đồng bộ về các quy tắc an toàn sinh học phòng, chống dịch bệnh.

"Có 3 biện pháp chính để phòng DTLCP, gồm an toàn sinh học, tăng cường nhận thức của công chúng và tiêu hủy các đàn heo có bệnh. Việc kiểm soát dịch bệnh đòi hỏi phải có thông tin đầy đủ để có thể nắm được cơ chế lây bệnh, vì vậy Việt Nam cần thành lập Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh khẩn cấp." - Phó Giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc Ian Dacre