Ngăn chặn hàng lậu vận chuyển bằng đường sắt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/6, tại Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã họp giao ban với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đánh giá về công tác phối hợp chống buôn lậu.

Theo thống kê của VNR từ năm 2013 đến nay, các cơ quan chức năng đã có 19 lần dừng tàu, cắt toa xe để kiểm tra hàng theo yêu cầu của cơ quan chức năng... Tuy nhiên, công tác phối hợp chống buôn lậu giữa các cơ quan chức năng với VNR chưa chặt chẽ. Có trường hợp lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá chưa thực hiện đúng quy định, không thông báo kết quả kiểm tra cho phía đường sắt để qua đó VNR có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, giảm phiền hà cho các DN vận tải đường sắt cũng như người thuê vận tải.
Minh họa. Nguồn Internet
Minh họa. Nguồn Internet
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Giám đốc VNR kiến nghị, Chi cục QLTT Hà Nội chỉ đạo các đội QLTT khi đến kiểm tra hàng hóa trên toa xe của các đoàn tàu, trong nhà kho của các ga thực hiện đúng các quy trình của Thông tư số 09/2013/TT-BCT về hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, thông báo kết quả kiểm tra cho phía VNR để có giải pháp phòng ngừa các đối tượng lợi dụng đường sắt để buôn lậu, gian lận thương mại; Phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quy trình tác nghiệp, những sai phạm của cán bộ, công nhân viên để VNR xử lý, khắc phục.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội) cho thấy, công tác phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu lợi dụng ngành đường sắt để vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Tại một số ga như ga Đông Anh, Yên Viên có các chuyến tàu từ biên giới phía Bắc về Hà Nội thường xuyên vận chuyển hàng hoá do Trung Quốc sản xuất nhưng chỉ dừng đỗ tại trong thời gian rất ngắn từ 3 - 5 phút, do đó việc đề xuất kiểm tra cắt toa khó thực hiện.

Tại ga Giáp Bát, thời điểm kiểm tra hàng hoá thường không có chủ hàng, mà chỉ có bộ phận bốc dỡ và đại diện vận chuyển. Vì vậy lực lượng chức năng khó có thể tìm và liên lạc được với chủ hàng, đặc biệt trong các vụ việc liên quan đến ATVSTP, vì hàng vi phạm vừa bị tịch thu vừa bị phạt hành chính... Đây là nguyên nhân khiến một số chủ hàng bỏ lại hàng hóa, không nhận mình là chủ lô hàng này.

Ông Chu Xuân Kiên - Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 389 Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục QLTT đề nghị ngành đường sắt trong quá trình vận chuyển hàng hóa cần kiểm tra đối chiếu hàng hóa, hóa đơn; Chú trọng nắm thông tin về các DN dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Nhân viên giao nhận cần nắm vững kiến thức về giao nhận hàng hóa, nhất là những mặt hàng nhà nước cấm kinh doanh...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần