Ngăn chặn hành vi tiêu cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tượng học sinh (HS) gặp các vấn đề về tâm lý như căng thẳng trong học tập, xung...

Kinhtedothi - Hiện tượng học sinh (HS) gặp các vấn đề về tâm lý như căng thẳng trong học tập, xung đột với thầy cô, gia đình, bỏ học, nói tục, đánh nhau, sa ngã vào cờ bạc… xảy ra khá phổ biến.

Để hạn chế tình trạng này, nhiều người đề cao vai trò của các phòng tâm lý học đường; đưa các chuyên gia tâm lý được đào tạo chuyên nghiệp về các trường phổ thông.

 HS hiện nay đang gặp không ít khó khăn về vấn đề tâm lý tuổi mới lớn. Hậu quả của việc không tìm được hướng giải quyết vướng mắc này có thể rất nghiêm trọng. Đại diện trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho biết, 5 năm trước, một HS của trường đã tự tử do bị bố mắng. “Hiện tượng HS tự tử do bị áp lực tâm lý vẫn còn xảy ra ở nhiều trường phổ thông trên cả nước. Ngoài ra, hiện tượng bạo lực học đường cũng có chiều hướng gia tăng từ một mâu thuẫn rất nhỏ. Việc tư vấn tâm lý trong các nhà trường rất cần thiết cho HS, giúp đỡ các em tháo gỡ những vướng mắc, giải tỏa áp lực về tâm lý mà các em gặp phải. Bởi vậy, ngành giáo dục cần xây dựng các phòng tư vấn tâm lý cho các nhà trường. Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang bị cho phòng tư vấn tâm lý. Mở các lớp bồi dưỡng tư vấn tâm lý cho lực lượng tư vấn trong nhà trường (giáo viên chủ nhiệm, cán bộ tham vấn)” – vị này kiến nghị.

Cũng đưa ra nhìn nhận về những tâm lý bất ổn của HS, ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Công tác HS, sinh viên, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, HS hiện nay chịu nhiều áp lực do kỳ vọng của gia đình, áp lực học tập điểm số, thứ hạng, khúc mắc trong quan hệ với thầy cô, bạn bè, giới tính, bạo hành gia đình. Song hoàn toàn có thể ngăn cản được những hành vi tự tử, đánh nhau, bỏ học… nếu các em được chia sẻ, tư vấn kịp thời. Vậy nhưng tại Hà Nội, hiện mới có 20/1.000 trường tham gia dự án thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường. Trong khi đó, ở hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tư vấn tâm lý. Đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý – Giáo dục, Giáo dục công dân…

Trước vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, ngành giáo dục cần mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học tâm lý giáo dục đến với giáo viên, phụ huynh, HS để giải quyết vấn đề xã hội đang cản trở việc học tập của các em, góp phần định hướng, phát triển nhân cách lành mạnh, toàn diện cho HS.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần