Ngăn chặn kịp thời, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 31/5, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu Quốc hội tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến đề xuất thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các đại biểu tán thành phương án không thu hẹp đối tượng và giữ nguyên như Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng, việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hợp lý vì biện pháp xử lý hành chính, thủ tục đơn giản nhanh, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ. Việc này không những đảm bảo bảo vệ quyền của chủ sở hữu mà còn kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo trật tự quản lý hành chính. Việc xử lý hành chính cũng không loại trừ quyền khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự nên vẫn đảm bảo được quyền của các bên có tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (đoàn tỉnh Nghệ An) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (đoàn tỉnh Nghệ An) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn tỉnh Nghệ An), ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc thêm các quy định về hình thức xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả. Hiện tại Khoản 2, Điều 214 Dự Luật quy định: “Ngoài các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ”. Theo đại biểu, quy định này sẽ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định hiện hành về xử lý vi phạm hành chính. Bởi, các văn bản này đã quy định rõ các trường hợp áp dụng, các hình thức xử phạt như phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; và các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì...

Quy định này cũng chưa bảo đảm tính chặt chẽ. Mặt khác, nếu cho phép tiếp tục phân phối, sử dụng hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ như Dự Luật sẽ không bảo đảm tính nghiêm minh trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đánh giá Dự Luật đã bổ sung, đề cập nhiều hơn đến chế tài xử lý các hành vi vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, cần rà soát, nghiên cứu để xây dựng được hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành, rõ ràng, không chồng chéo, phòng, chống hiệu quả và triệt để hơn các hành vi này. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thiết lập và cơ chế vận hành minh bạch các liên kết hợp tác sáng tạo giữa doanh nghiệp, người sản xuất, trường đại học, viện nghiên cứu và Nhà nước. Đây là giải pháp quan trọng, giúp tạo dựng bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn các tài sản trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị, Dự Luật điều chỉnh, bổ sung bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm địa phương, trong đó chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương, hình thành nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu cao, tiềm năng xuất khẩu lớn, góp phần quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới.

Đề cập đến hành vi xâm phạm quyền tác giả, tạo sự ổn định trong hoạt động thực thi bảo hộ quyền tác giả, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) gửi đến Quốc hội ý kiến của Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, tại Điều 26, Khoản 1 quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, nội dung gốc của Dự Luật như điểm b, trường hợp tác phẩm đã được trụ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình tên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình này trong hoạt động kinh doanh thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó theo thỏa thuận.

Đại biểu cho rằng, trường hợp nếu không đạt được thỏa thuận thì rất khó cho việc thực hiện theo quy định của Chính phủ. Quy định như vậy rất nửa vời và hoàn toàn không khả thi. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị đề nghị bổ sung cụ thể hơn các trường hợp, ví dụ không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ và phải tạm dừng việc sử dụng theo yêu cầu của chủ sở hữu quyền tác giả cho đến khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả tiền bản quyền nhằm giảm thiểu bất lợi cho tác giả… Qua đó giảm tải đáng kể cho các cơ quan nhà nước trong việc xử lý vi phạm, giải quyết các khiếu nại, tranh chấp và để đảm bảo thực hiện nghiêm túc cơ chế thỏa thuận giúp hài hòa quyền lợi, quyền và lợi ích của các bên và cùng hướng đến thụ hưởng của công chúng.