Ngăn chặn “làn sóng” công chức, viên chức nghỉ việc: Giải pháp nào?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục…” - đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám nêu thực trạng và đề cập đến các giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Hôm nay, 27/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách Nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.

Trong phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) đề cập, thời gian gần đây, tình trạng bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công gia tăng. Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Có xu hướng chuyển dịch nhân sự ra khỏi khu vực công sang khu vực tư bởi áp lực công việc, tiền lương, thu nhập trong khu vực công thấp.

Do đó, đại biểu Tô Văn Tám tán thành với các giải pháp xử lý tình trạng này của Chính phủ và đề nghị thêm một số ý: Một là, thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính. Đồng thời, xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục được công việc, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết cái việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.

Hai là, hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý.

Ba là, quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Bốn là, cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Tranh luận về nguyên nhân tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) đồng tình với ý kiến của một số đại biểu rằng trong thời gian vừa qua tình trạng nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc do nguyên nhân chính về thu nhập.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (Đoàn tỉnh Bắc Kạn)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (Đoàn tỉnh Bắc Kạn)

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, bên cạnh nguyên nhân này, còn có nhiều nguyên nhân khác cần xem xét, phân tích, đánh giá. Cụ thể, tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 bệnh nhân tới khám, 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Các y bác sĩ phải đến sớm, khám vài chục đến cả trăm bệnh nhân mỗi ngày, áp lực rất lớn. Thậm chí, các bác sĩ chỉ đủ sức để quan tâm đến căn bệnh chứ không phải người bệnh. Ở các trạm y tế xã phường, vốn đã ít nhân lực, nhưng phải đảm trách nhiệm vụ các Chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng.

Theo đại biểu, áp lực công việc rất lớn nên dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân viên y tế chuyển việc. Đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đề nghị Chính phủ cần cải thiện môi trường làm việc của ngành y. Đồng thời đẩy mạnh công nghiệp dược và sản xuất vaccine để chúng ta có thể chủ động nguồn lực ngay từ trong nước mà không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay. Đây cần phải coi là giải pháp căn cơ, chiến lược vì khi có dịch bệnh xảy ra sẽ có tổn thất về người, sau đó tốn kém tiền của trong nhập khẩu và một số sai phạm có thể xảy ra.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn tỉnh Hà Nam) đề nghị thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn tỉnh Hà Nam) đề nghị thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: Quochoi.vn

Trong phát biểu của mình, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn tỉnh Hà Nam) đề nghị thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, song cũng cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương, góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương…

Đại biểu Phạm Hùng Thắng cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của nước ta, báo cáo Quốc hội để chủ động trong ứng phó chính sách phù hợp. Linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là ưu đãi, vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

“Ngoài ra, việc sửa đổi các Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá và một số luật khác nhằm hướng tới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhưng cần phải gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách bộ máy và nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong các cơ quan nhà nước” - đại biểu Phạm Hùng Thắng đề xuất.