Ngăn chặn tình trạng “bóp méo” di sản

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được ghi danh, số lượng cơ sở thờ tự tăng nhanh chóng đi kèm với xu hướng tùy tiện, xô bồ trong bài trí đền, điện, ban thờ. Số lượng thanh đồng, cung văn tăng lên tỉ lệ nghịch với chất lượng hoạt động.

Đó là vấn đề “nóng” được các nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn với chủ đề "Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh" do Bộ VHTT&DL tổ chức trong 2 ngày 26 và 27/8.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Sai lệch giá trị di sản

Vừa qua, diễn xướng hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng tại không gian của một trường đại học tại Thừa Thiên - Huế đã gây xôn xao dư luận. Trong Hội thảo lần này, vấn đề đưa di sản ra khỏi không gian thiêng để biểu diễn, trình diễn, đặc biệt trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được nêu ra một cách thẳng thắn, trực diện.

Theo các chuyên gia, trong 5 năm qua, việc “sân khấu hóa” nghi lễ hầu đồng diễn ra khá ồ ạt và khó kiểm soát. Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nhìn nhận, tổng kết, đánh giá kịp thời thực trạng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, chỉ ra những mặt được và chưa được, để từ đó có những đối sách, giải pháp quản lý phù hợp và hiệu quả.

Nghệ nhân trình diễn hầu đồng. Ảnh: Lại Tấn.
Nghệ nhân trình diễn hầu đồng. Ảnh: Lại Tấn.

Trực tiếp sở hữu, thực hành di sản, đa phần các nghệ nhân phản đối việc xem di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ra khỏi không gian thiêng để phục vụ nhu cầu biểu diễn, trình diễn. Theo NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng (Đền Nguyên Khiết Linh Từ 102 Hàng Bạc): trong nhiều trường hợp, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đang bị bóp méo. Từ những hiện tượng đã và đang diễn ra trong thực tế, NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng nêu:  “Nhiều thanh đồng, tân đồng đã không tiếc một khoản tiền lớn, chạy theo phong trào để được biểu diễn tín ngưỡng của mình ngoài không gian điện phủ và nhận các giấy chứng nhận, các giấy khen vinh danh... đã có thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, mà thực chất là đang bóp méo và làm sai lệch tín ngưỡng”.

Mặt khác, các cuộc trình diễn hay biểu diễn thời trang hầu đồng trên sân khấu đanglàm biến đổi hoàn toàn tính chất các mối quan hệ tâm linh giữa người thầy đồng với thánh thần của họ cũng như với các tín đồ đến tham dự. Hàng loạt câu hỏi đã được nghệ nhân đặt ra như: “Trên sân khấu, khi cung hát văn hát “Thánh giá hồi cung” thì thánh “diễn viên” đó sẽ hồi cung nào? Cung “cánh gà sân khấu” thay cho cung trang nghiêm, nơi thánh ngự trị ở điện phủ được hay sao? Hơn nữa lại đi xuống sân khấu phát lộc cho người xem. Vậy đó là lộc thánh ban cho người hay chỉ là người chìa ra cho người?”.

Đồng tình với NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng, NNƯT Trần Thị Huệ - thủ nhang phủ Tiên Hương (Vụ Bản, Nam Định) khẳng định thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang ý nghĩa tâm linh, vì vậy việc đem di sản này ra khỏi không gian thiêng để trình diễn, biểu diễn gây nhiều bức xúc trong cộng đồng thực hành di sản này.

Nâng cao hiểu biết của cộng đồng về di sản

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau một thời gian dài, vì nhiều lý do (bị đánh đồng với các hiện tượng mê tín, dị đoan; giá trị lịch sử, văn hóa chưa được nhận thức đúng đắn và toàn diện) bị cấm cản không được thực hành trong đời sống xã hội nay được hồi sinh, có xu hướng thành “cao trào mở phủ, hầu đồng” nên không tránh khỏi những mặt hạn chế cần có biện pháp khắc phục kịp thời.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, từ thực trạng trên đặt ra yêu cầu phải tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước để huy động các nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội cho việc bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Nhấn mạnh cộng đồng là hạt nhân cốt lõi của di sản, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban VHGD của Quốc hội cho rằng, cộng đồng thực hành, sở hữu di sản có vai trò quan trọng nhất trong bảo tồn và phát huy các giá trị. Chính vì vậy, cộng đồng phải có hiểu biết đầy đủ, để trở thành cộng đồng thông minh, có kiến thức trong lĩnh vực này, trong đó việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giữa các địa phương sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý.

"Đây không phải di sản có thể tổ chức ở đâu, làm gì cũng được, vì vậy sự nhạy cảm của các địa phương phải thể hiện qua tham vấn cho các cơ quan của Bộ VHTT&DL. Đối với các cơ quan T.Ư, Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hoá khi có vấn đề xảy ra cần rút kinh nghiệm, không đưa ra quyết định nhanh chóng mà cần trao đổi với địa phương và những bên có liên quan, để có thông tin cụ thể, chính xác” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.