Ngân hàng Agribank công bố gói 30.000 tỷ đồng cho vay DN vừa và nhỏ (SME) với lãi suất ngắn hạn 4,8%/năm và 7,5%/năm với khoản vay trung dài hạn. Tương tự, Ngân hàng Vietcombank cũng công bố gói cho vay khách hàng SME với lãi suất kinh doanh từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 13/10. Các khoản vay tiêu dùng cũng được ưu đãi cố định lãi suất trong 6 hoặc 12 tháng đầu tiên với lãi suất từ 6,79%/năm.
Không chỉ các ngân hàng quốc doanh, mà nhiều ngân hàng cổ phần cũng giảm sâu thêm lãi suất cho vay. Đơn cử như VPBank mới đây cũng công bố cho vay sản xuất, kinh doanh với lãi suất từ 5,99%/năm dành cho cá nhân, hộ gia đình với hạn mức lên đến 20 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh giai đoạn hậu Covid-19. MBBank áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh từ 6,8%/năm với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời hạn tối đa 180 tháng. Mới đây, SHB đã phối hợp với Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa (SMEDF) triển khai cho vay gián tiếp đối với các DN nằm trong chuỗi giá trị liên kết xuất khẩu với mức lãi suất ngắn hạn chỉ 4,16%/năm và trung dài hạn là 6%/năm.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán SSI, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm thêm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND là cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay các kỳ ngắn hạn trong quý IV/2020; đặc biệt là các khoản vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Dự báo của giới chuyên môn, làn sóng này sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm nay. Hiện thanh khoản của hệ thống đang dư thừa khá lớn do tín dụng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với nguồn vốn huy động. Cũng chính bởi vậy, ngân hàng giảm lãi suất để kích cầu tín dụng.
Doanh nghiệp mong giãn nợKhảo sát mới nhất của Vụ Dự báo thống kê (NHNN) bên cạnh kỳ vọng giảm lãi suất huy động, có hơn 50% tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng trở lại, dù vẫn thấp hơn con số 59,2% theo khảo sát trong quý trước. NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8 - 10%, tương đương có khoảng 150.000 - 320.000 tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong quý IV/2020, trong đó mức trên 9% là khả thi. Về lý thuyết, lãi suất giảm là cơ hội để DN khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo đó cầu tín dụng cũng tăng nhanh. Hơn thế, hiện mặt bằng lãi suất đang đứng ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây cũng sẽ là một yếu tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng.
Hiện lãi suất cho vay đã giảm rất sâu, song theo nhiều DN, mức này vẫn còn cao so với khả năng chống chịu của họ. “Lãi suất cho vay đã hạ nhiệt, song vẫn còn cao trong bối cảnh doanh thu của DN vận tải sụt giảm 50 - 80% như hiện nay. Vì vậy, chúng tôi hy vọng thời gian tới, các ngân hang tiếp tục giảm lãi suất cho vay với DN, đồng thời giải quyết nhanh các thủ tục vay vốn” - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nam Cường Nguyễn Thiện Thức bày tỏ.
Một số DN SME chia sẻ họ cần những khoản vay với lãi suất từ 0 - 3%/năm để vực dậy sản xuất kinh doanh. Nhiều hiệp hội đã kiến nghị giảm mạnh lãi suất cho vay. Hiệp hội DN trẻ Việt Nam đề nghị giảm lãi suất cho vay về 0 - 5%/năm. Đồng thời, các chính sách giãn, hoãn nợ cần kéo dài ít nhất đến hết năm 2020.