Ngân hàng cắt giảm nhân sự, tối ưu hoá hoạt động
Kinhtedothi - Các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số và tái cấu trúc hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chi phí. Hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi nhánh giao dịch.
Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, nhiều ngân hàng tiếp tục tập trung vào sắp xếp, tinh gọn nhân sự. Đơn cử như TPBank, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa được tổ chức, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng cho biết, đầu năm vừa qua, ngân hàng đặt kế hoạch cần có hơn 8.200 nhân sự, tương ứng quy mô tăng trưởng kinh doanh, song cuối năm tổng số nhân viên là 7.700 người, giảm 500 định biên so với kế hoạch và đến nay, con số này thấp hơn nữa.

Nhiều ngân hàng dự kiến cắt giảm hệ thống phòng giao dịch, tập trung vào số hóa. Ảnh minh hoạ
"Ngân hàng TPBank ứng dụng và triển khai khoảng 500 robot cải tiến các quy trình và giảm các bước tham gia. Đồng thời, số hóa toàn trình giúp mọi thứ trở nên nhanh chóng, minh bạch hơn, không cần giấy tờ, tiêu tốn thời gian, giảm số lượng nhân viên không cần thiết và giúp tiết kiệm chi phí. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ như AI, dữ liệu lớn và học máy giúp rút ngắn thời gian xử lý, tinh giản quy trình và tiết kiệm đáng kể nguồn lực, ước tính tương đương 300 - 500 người, trong bối cảnh chi phí nhân sự ngày càng cao. Cùng với đó, nhiều cơ hội kinh doanh mới mở ra, đẩy mạnh cho vay kênh số khi ứng dụng công nghệ" - Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ.
Trong nhóm "big 4", VietinBank là ngân hàng tiên phong triển khai việc cắt giảm các điểm giao dịch vật lý theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank Trần Minh Bình tại ĐHĐCĐ mới đây.
Theo lãnh đạo VietinBank, trong hai năm gần đây, ngân hàng gần như không tuyển dụng thêm các mảng kinh doanh truyền thống như tín dụng hay nguồn vốn. Bước sang năm 2025, VietinBank sẽ đẩy mạnh tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dự kiến nâng quy mô nhân sự trong mảng này từ 300 người lên gần 1.000 người gồm cả nguồn lực thuê ngoài, với mức lương rất cạnh tranh.
Tại ĐHĐCĐ của ABBank, lãnh đạo ABBank cũng cho biết trong năm qua, ABBank đã mạnh dạn tinh giản bộ máy, có đơn vị cắt giảm tới 30-40% nhân sự, và sẽ tiếp tục tối ưu hơn nữa bởi “trong thời đại số hóa như hiện nay, không thể duy trì mô hình đông nhưng không mạnh”.
Báo cáo tài chính của các ngân hàng đã phản ánh xu hướng tái cấu trúc nhân sự tại nhiều nhà băng có lượng cán bộ nhân viên như BIDV, Sacombank, TPBank, LPBank, ACB…
Trong công bố báo cáo tài chính quý I/2025, LPBank cho thấy, ngân hàng này đã thực hiện cắt giảm nhân sự mạnh mẽ ngay quý đầu năm 2025. Theo đó, ước tính đến 31/3/2025, số lượng cán bộ, nhân viên Ngân hàng này là 9.570 người, giảm 1.619 người (tương đương 14,46%) so với con số tại thời điểm 31/12/2024.
Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho hay, năm 2024 ngân hàng đã giảm gần 500 nhân sự. Năm 2025-2026, Sacombank sẽ tiếp tục xu hướng này, giảm nhân sự tại các phòng giao dịch truyền thống và tăng giao dịch trên không gian số.
Tiết giảm chi phí
Tín dụng cải thiện ngay từ đầu năm là yếu tố đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận ngay từ quý I tại các ngân hàng. Mặc dù bức tranh KQKD toàn ngành trong quý I nhìn chung tích cực, “thách thức” là cụm từ được nhiều lãnh đạo ngân hàng nhắc tới khi nói về bức tranh kinh tế năm nay, trước những bất ổn địa chính trị và biến động thuế quan tác động sâu sắc đến các quốc gia.
Xu hướng tiết giảm chi phí hoạt động được đánh giá sẽ đóng góp thêm vào lợi nhuận ngân hàng năm nay. Trong bối cảnh đó, tiếp tục tập trung vào sắp xếp, tinh gọn nhân sự, hướng tới bộ máy vận hành tối ưu chi phí hoạt động, qua đó giúp ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngân hàng OCB cho biết, đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ khi triển khai giải pháp cấp thẻ tín dụng hoặc khoản vay tiêu dùng trực tuyến; đồng thời tích hợp Al Chat Bot nhằm nâng cao tương tác, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí cho việc chăm sóc khách hàng trên kênh số.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, tinh gọn toàn bộ cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại các khối và hợp nhất các chức năng tương đồng. Việc đổi mới quy trình, tinh gọn bộ máy sẽ giúp TPBank tiết giảm thêm 300-500 nhân sự, giảm thêm chi phí vận hành, tối ưu hóa hoạt động" - ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết.
Đại diện một ngân hàng nhóm Big 4 cho biết, trong giai đoạn hiện nay khi việc tinh giản bộ máy, nhân sự và sáp nhập tỉnh đang được thực hiện mạnh mẽ, ngành ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, thường thì các ngân hàng sẽ tùy thuộc vào dư địa tăng trưởng của từng địa phương, chi nhánh để lên kế hoạch cắt giảm cho phù hợp với lộ trình, chiến lược tăng trưởng của mình.
Báo cáo từ Chứng khoán Yuanta cập nhật về ngành ngân hàng cho thấy, VPBank, SHB, Vietinbank có tỷ lệ CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) thấp nhất toàn ngành, phản ánh hiệu quả quản lý chi phí tốt. Cùng với đó, Techcombank dẫn đầu toàn ngành về tỷ lệ doanh thu trên mỗi nhân viên với 4 tỷ đồng/người, phản ánh năng suất cao và hiệu quả của việc ứng dụng số hóa. SHB xếp thứ hai với 3,5 tỷ đồng/người trong khi Vietinbank xếp thứ ba với 3,3 tỷ đồng/người.
Nhiều chuyên gia dự đoán, trong vài năm tới, công nghệ AI sẽ phát triển mạnh mẽ, thay thế nhiều việc làm, đặc biệt, ngành Ngân hàng sẽ là ngành bị ảnh hưởng lớn nhất trong số các lĩnh vực bị tác động. Bởi hiện công nghệ AI đã và đang được các ngân hàng áp dụng nhiều hơn để xử lý nhiều công việc, từ khối hành chính đến các nghiệp vụ thống kê, đề xuất sản phẩm - dịch vụ và hỗ trợ xác thực thông tin, phân tích dữ liệu. Do đó, diễn biến dịch chuyển nhân sự trong ngành tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các tổ chức tín dụng cân đối trong việc đầu tư đào tạo, nâng cấp kỹ năng cho nguồn nhân lực và đổi mới chính sách tuyển dụng nhằm giữ chân người lao động trong các mảng công việc mang tính chiến lược.

GDP quý I/2025 tăng 6,93%, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Kinhtedothi- Kinh tế Việt Nam trong quý I khởi sắc với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,93%, tăng cao nhất so với các năm trong giai đoạn 2020-2025. Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I/2025 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế xã hội Việt Nam.

ADB: Việt Nam cải cách toàn diện hiệu quả sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng
Kinhtedothi - Sáng 9/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố ấn phẩm kinh tế thường niên: Báo cáo Triển vọng châu Á tháng 4/2025. Theo đó, ADB duy trì triển vọng tích cực cho Việt Nam trong năm nay và năm sau, nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.