Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng chậm chân với Net Zero vì lúng túng tiêu chí xanh

Theo Lan Hương/báo Lao Động
Chia sẻ Zalo

Thiếu tiêu chí phân loại thế nào là dự án xanh, doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh khiến các doanh nghiệp chậm trong chuyển đổi xanh, các ngân hàng lúng túng khi xác định dự án nào thực sự là xanh để đầu tư.

Việt Nam cần khoảng từ 380 tỷ USD cho tới 400 tỷ USD cho công cuộc xanh hóa từ nay cho tới năm 2040. Vậy câu hỏi lớn nhất lúc này, Việt Nam sẽ bỏ lỡ điều gì nếu chậm chân trong cuộc chiến Net Zero? Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam về câu chuyên tín dụng xanh.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam. Ảnh: Deloitte
Bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam. Ảnh: Deloitte

Thưa bà, Việt Nam sẽ bỏ lỡ điều gì nếu chậm chân trong “cuộc chiến” Net Zero?

- “Cuộc chiến” xanh hoá và Net Zero là câu chuyện của toàn cầu. Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội gì nếu không tham gia cuộc đua này? Thứ nhất, chúng ta bỏ lỡ cơ hội thị trường. Nhiều nước khác đã đi nhanh hơn Việt Nam khi có những quy định chuẩn chỉ về tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính, giảm thải carbon.

Thứ hai, chúng ta bỏ lỡ các cơ hội về đầu tư, về khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để giảm thiểu carbon phát thải.

Thứ ba, chúng ta bỏ lỡ các điều kiện tiên quyết về khả năng lao động, các kỹ năng quản lý và kỹ năng giám sát của người chủ lao động và của cơ quan quản lý nhà nước khi quản trị các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và trợ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Việt Nam cần rất nhiều nguồn vốn để thay đổi khoa học kỹ thuật theo công nghệ mới. Đặc biệt là các công nghệ giúp giảm thải, quản trị phát thải. Để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, các doanh nghiệp cần nguyên liệu đầu vào giúp giảm phát thải, điều này cũng đòi hỏi dòng vốn lớn.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng từ 380 tỷ USD cho tới 400 tỷ USD cho công cuộc xanh hóa từ nay cho tới năm 2040. Hiện nay số tiền hỗ trợ đầu tư cho các dự án xanh của Việt Nam là khoảng 15 tỷ USD. Số tiền này hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thúc đẩy câu chuyện phát triển xanh và Net Zero cho tới năm 2050 theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ.

Vậy giải pháp để phát triển tài chính xanh và tín dụng xanh ở Việt Nam là gì, thưa bà?

- Thứ nhất, Chính phủ cần có những hành lang pháp lý để định hướng cho doanh nghiệp làm thế nào phát triển xanh, làm thế nào để thực hành nền kinh tế tuần hoàn. Theo tôi, nên có những chính sách về ưu đãi thuế hay phí hay lệ phí hay có những cái chính sách ưu đãi đầu tư khác đối với các dự án hay các doanh nghiệp tập trung vào dùng công nghệ xanh hay tự cân bằng carbon và hướng tới Net Zero sớm hơn các doanh nghiệp cùng ngành.

Thứ hai, đối với doanh nghiệp, cần phải tiên phong áp dụng các công nghệ khoa học tiên tiến. Làm thế nào giảm thải carbon, giảm phát thải và tăng tính cạnh tranh thông qua công nghệ, số hóa và các phương tiện liên quan đến sáng tạo giúp cho doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh trong các chuỗi cạnh tranh toàn cầu.

Còn đối với ngân hàng thì sao? Đối với ngân hàng, thứ nhất cần quan tâm đến nội lực của ngân hàng. Ngân hàng cần có những công cụ, thước đo, những tiêu chí để xác định là những doanh nghiệp hay các dự án nào thực sự xanh để đầu tư.

Ngân hàng nên có những bước chuyển mình kết hợp với các tổ chức tài chính quốc tế để tận dụng những nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh.

Theo bà, các ngân hàng đang lúng túng điều gì nhất trong quá trình chuyển đổi xanh?

- Các ngân hàng đang rất mong muốn phát triển bền vững. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các ngân hàng sẽ phải tuân thủ theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ban, ngành. Hiện các ngân hàng đang trông chờ các quyết sách từ Chính phủ, các bộ ban hành và nhất là Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, nếu các bộ, ban, ngành nên có những định hướng rõ hơn về các tiêu chí phân loại thế nào là xanh, thế nào là một dự án xanh, thế nào là một doanh nghiệp xanh hoặc thế nào là một sản phẩm xanh thì lúc đó cũng dễ dàng cho các doanh nghiệp.