Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng chạy đua hút vốn

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gửi tiền được quà, tặng thêm lãi suất, cơ hội trúng thưởng giá trị lớn là những chương trình khuyến mại đang được các ngân hàng ồ ạt áp dụng từ nay đến cuối năm.

Cạnh tranh bằng khuyến mại
Từ nay đến hết 11/11, khách hàng gửi tiết kiệm hay đăng ký mở tài khoản tại PVcombank với chương trình “Chọn hạnh phúc mỗi ngày” được nhận ngay 1 sêri quay thưởng với cơ hội trúng 3 chuyến du lịch đến Buhtan trị giá 100 triệu đồng và 5 chiếc điện thoại Samsung S8 Plus, mỗi chiếc trị giá 20 triệu đồng.
Tại VietABank, khách hàng tham gia gửi tiền trong chương trình “Gửi tiền trúng lớn” sẽ có cơ hội trúng xe máy Vespa LXV, tivi Samsung 55inch, điều hòa Daikin Inverter… với tổng giá trị chương trình lên tới gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, những khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 100 triệu đồng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên sẽ nhận được quà tặng ngay tại quầy là thẻ ghi nợ nội địa ATM Advance có giá trị từ 50.000 - 350.000 đồng.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh PVcombank Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Không chỉ khuyến mại, lãi suất huy động cũng được các ngân hàng nâng lên. Với chương trình "Gửi dài, tài lộc tăng", lãi suất các kỳ hạn 15 và 18 tháng của Eximbank cao hơn 0,4% - 0,5% so với kỳ hạn 15 và 18 tháng của biểu lãi suất tiết kiệm thông thường là 7%/năm và 7,3%/năm. Chương trình "Gửi tiền - tặng tiền, tặng lãi suất" của Sacombank từ nay đến hết năm 2017, người gửi ít nhất 10 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 7,4%/năm được Sacombank tặng 0,2% lãi suất, đồng thời tặng thêm 0,2%/số tiền gửi. Viet Capital Bank triển khai chương trình "Gửi 1 - nhân 3" với tổng giá trị bốc thăm trúng thưởng lên đến 2 tỷ đồng, lãi suất 8,2%/năm kỳ hạn 18 tháng…
Nhu cầu vốn vay sẽ tăng mạnh
Tính đến thời điểm 20/9/2017, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,02% (cùng kỳ năm trước tăng 10,46%), trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng thấp hơn 10,08%. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên khoảng 21%, mức độ “phải” thực hiện còn lại trong quý cuối năm là rất lớn, với khoảng 10% nữa, nên các ngân hàng phải chuẩn bị nguồn vốn để bơm ra thị trường.
Báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần của bộ phận phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy, trong tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng tăng tuần thứ hai liên tiếp. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 475 tỷ đồng ra khỏi hệ thống. Những tín hiệu này cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn chưa đến mức thiếu hụt. SSI cho rằng, việc tăng lãi suất có thể đang diễn ra ở một số ngân hàng được nới room tín dụng, nhằm cơ cấu lại nguồn vốn.
Thực tế, việc tăng lãi suất chủ yếu ở các kỳ hạn dài. Lãnh đạo một ngân hàng TMCP có trụ sở tại Hà Nội cho biết, tuy thanh khoản dồi dào, nhưng do vốn hỗ trợ liên ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn dưới một tháng, trong khi nhu cầu vốn của DN chủ yếu là kỳ dài hơn nên các ngân hàng buộc phải tăng sự cạnh tranh khuyến mại, lãi suất bằng nhiều hình thức khác nhau.
Theo phân tích của vị lãnh đạo này, thị trường đất động sản và thị trường chứng khoán đang hồi phục trở lại, cũng như các DN đang dự kiến sẽ tăng nhu cầu vốn vào cuối năm. Đó là chưa kể đến thói quen hiện nay của người dân, DN là không gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn dài. Những kỳ hạn trên 12 tháng rất ít người gửi tiền. Vì vậy, muốn giữ được tốc độ huy động cũng như nguồn vốn huy động được, một số ngân hàng đã phải tăng thêm các hình thức khuyến mại, áp dụng lãi suất cao cho những kỳ hạn thấp để tăng huy động vốn và giữ được khách hàng. Đồng thời khẳng định, thanh khoản hiện tại tốt nhưng không có nghĩa sẽ đủ lượng vốn đáp ứng tín dụng khi nhu cầu vay tăng cao.
Nhận định về tình hình thanh khoản cuối năm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Đây là thời điểm diễn ra cùng lúc 2 vấn đề: Một là, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở ngân hàng được rút ra và đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; Hai là, nhu cầu chi tiêu của dân cư và nhu cầu thanh toán của DN tăng lên. Điều này sẽ gây căng thẳng nhất định về thanh khoản.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các ngân hàng mới nhất do Vụ Dự báo, Thống kê - Ngân hàng Nhà nước tiến hành cho thấy, các ngân hàng cho rằng nhu cầu vốn vay sẽ tăng mạnh trong quý cuối năm và dư nợ tín dụng cho nền kinh tế sẽ tăng tốc, bình quân tăng trưởng 6,07% trong quý IV.