Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Chính sách xã hội Thạch Thất: Kích cầu cho hộ nghèo, thoát nghèo vay vốn

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chương trình cho vay hộ thoát nghèo và giải quyết việc làm tại huyện Thạch Thất có số dư nợ lớn nhất với tổng số trên 213.000 triệu đồng” - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Thạch Thất Dương Quốc Mạnh cho biết.

Theo ông Dương Quốc Mạnh, đến nay, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH Thạch Thất là 344,9 tỷ đồng, tăng 29,2 tỷ đồng so với đầu năm 2019. Cùng với đó là 59,6 tỷ đồng nguồn vốn huy động, tăng 7,09 tỷ đồng so với đầu năm.
Ngân hàng CSXH Thạch Thất đã phối hợp với UBND, ban giảm nghèo các xã, thị trấn, hội đoàn thể (HĐT) nhận ủy thác cấp huyện chỉ đạo HĐT nhận ủy thác cấp xã, các tổ tiết kiệm và vay vốn triển khai cho vay, đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Thạch Thất và Phó Phòng LĐTB&XH Thạch Thất đang kiểm tra mô hình trang trại của hộ gia đình ông Cấn Văn Giáo ở xã Phú Kim. Ảnh: Thủy Trúc
Đến nay, tổng số dư nợ mà Ngân hàng CSXH Thạch Thất cho các hộ vay vốn là bao nhiêu?
Đã có 343,5 tỷ đồng được Ngân hàng CSXH Thạch Thất cho 11.508 hộ vay vốn thông qua 314 tổ tiết kiệm & vay vốn và các dự án, với 10 chương trình. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm có số dư nợ nhiều nhất là 122.954 triệu đồng cho 3.702 hộ vay. Tiếp đến là chương trình cho vay hộ thoát nghèo 90.825 triệu đồng cho 3.039 hộ vay.
Sở dĩ, số dư nợ chương trình cho hộ vay thoát nghèo cao là bởi Ngân hàng CSXH Thạch Thất muốn tập trung vào giảm nghèo bền vững. Khi hộ nghèo đã thoát nghèo, Ngân hàng tiếp tục cho vay để kích cầu, giúp họ thoát nghèo bền vững. Trong năm 2018, với số dư nợ khoảng 310 tỷ đồng, Ngân hàng đã giúp đỡ cho 12.000 hộ vay vốn phát triển kinh tế, vì thế việc giảm nghèo rất thiết thực. 
Các hộ vay vốn qua những tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác nào?
Hiện tại, Ngân hàng CSXH Thạch Thất ủy thác vay vốn qua 4 hội đoàn thể: Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên và Hội Cựu chiến binh. Số dư nợ cao nhất đến thời điểm này là Hội Phụ nữ với 143.742 triệu đồng cho 4.702 hộ vay, sau đó đến Hội Nông dân 133.818 triệu đồng cho 4.552 hộ vay, Hội Cựu chiến binh 50.175 triệu đồng cho 1.704 hộ vay và Đoàn Thanh niên 12.547 triệu đồng cho 470 hộ vay.
Huyện Thạch Thất có 10 làng nghề thì Hội Phụ nữ nhận ủy thác cho các hộ vay vốn để phục vụ cho việc sản xuất của các làng nghề đó. Các hộ dân ở xã bình Phú, Hữu Bằng, Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu có nghề mộc đã vay với số tiền lớn để đầu tư sản xuất. Các hộ dân ở xã miền núi Yên Trung, Yên Bình, Cẩm Yên, Tiến Xuân, Cẩm Yên, Đồng Chúc chủ yếu vay vốn để chăn nuôi bò, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả....
Hiệu quả kinh tế xã hội từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH Thạch Thất cho vay thế nào?
Từ nguồn vốn vay qua Ngân hàng CSXH Thạch Thất đã giải quyết vay vốn cho 693 đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ có gia đình người khuyết tật. Cộng với đó là 15 hộ gia đình dân tộc thiểu số, 84 gia đình có học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập. Đặc biệt là hỗ trợ vốn vay tạo việc làm cho 797 lao động, góp phần xây dựng 1.002 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Nguồn vốn vay đã giúp cho 2.579 lượt khách hàng vay có thêm vốn để phát triển chăn nuôi, mua sắm thêm vật tư, máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Qua đó góp phần giảm hộ nghèo, tạo việc làm cho lao động dư thừa, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Xin cảm ơn ông!