Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu vốn để phục vụ tăng trưởng GDP trong năm 2025 là rất lớn. Các ngân hàng đã được cấp hạn mức tín dụng mới và đang triển khai các giải pháp thúc đẩy dòng vốn ngay từ đầu năm.

Bơm thêm gần 3 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, tín dụng sẽ chảy vào đâu?

Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% (tương đương bơm thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế). Tuy nhiên, nếu tăng trưởng GDP lên đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%, tức năm nay ngành ngân hàng sẽ phải bơm thêm ra nền kinh tế 2,8-3,1 triệu tỷ đồng.

Các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cạnh tranh, đẩy mạnh cho vay sau Tết.
Các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cạnh tranh, đẩy mạnh cho vay sau Tết.

NHNN cho biết, đến ngày 3/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024. Trái ngược hoàn toàn với đà sụt giảm đầu năm 2024 (giảm 0,6%)... Tín dụng tăng trưởng khá ngay từ đầu năm 2025.

Ngay từ đầu năm 2025, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) khẩn trương triển khai các chương trình tín dụng, các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng. Trong đó, quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, những ngành, hàng thiết yếu của nền kinh tế…

“Năm 2024, ngành ngân hàng vẫn trong cảnh “đỏ mắt” tìm khách hàng. Hy vọng, năm 2025, nếu nền kinh tế tăng trưởng, thì cầu vốn tăng lên. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% không còn là áp lực, mà sẽ là cơ hội cho các ngân hàng”-  Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Giới phân tích dự báo, tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố: nỗ lực giữ nền lãi suất cho vay thấp của NHNN; thị trường bất động sản và ngành bán lẻ - tiêu dùng phục hồi; quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công kéo theo cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng, kích thích đầu tư từ khối ngoại và khối tư nhân.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2025, dẫn dắt bởi cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng... Nhu cầu tín dụng tiêu dùng đang tăng trưởng trong dịp đón xuân mới Ất Tỵ 2025, gắn liền với sự phục hồi của nền kinh tế. Đáng chú ý, nhóm tín dụng mua nhà để ở có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đồng thời các yếu tố như nhu cầu vay vốn mua xe, mua nhà và mua sắm trang thiết bị gia đình và tiện ích từ thẻ tín dụng không chỉ hỗ trợ cuộc sống của người dân, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống tín dụng đen.

Với bất động sản và hạ tầng được coi là động lực tăng trưởng tín dụng năm nay. Các chuyên gia của VinaCapital cũng cho biết, Chính phủ dự định sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP năm 2025 bằng cách đẩy mạnh đầu tư công. Để huy động đủ vốn cho các đại dự án, ngoài ngân sách, cần có sự tham gia của các ngân hàng.

Ngoài ra, tín dụng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản cũng được kỳ vọng tiếp tục duy trì được tốc độ, ngay cả khi thương chiến xảy ra. “Nhu cầu vốn của chúng tôi hiện rất lớn, lên tới 1.000 tỷ đồng mỗi tháng, trong bối cảnh giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam lên tới 5.700 USD/tấn”- ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group cho hay.

Hàng loạt gói tín dụng ưu đãi chờ khách hàng

Để hỗ trợ tăng trưởng GDP, năm nay, NHNN tiếp tục đổi mới cơ chế cấp room tín dụng. Nhờ được cấp room tín dụng sớm, nhiều ngân hàng đã xây dựng kế hoạch tăng tốc tín dụng ngay từ đầu năm.

Vietcombank đã triển khai chương trình cho vay lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,6%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn. Đáng chú ý, quy mô gói tín dụng này lên tới 250.000 tỷ đồng, được ngân hàng áp dụng ngay từ đầu năm. Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, cho biết Vietcombank sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, cải tiến quy trình cấp tín dụng, rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng...

Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho hay, năm 2025, Agribank có thể tăng trưởng tín dụng 13%, tức có thể bơm thêm 230.000 tỷ đồng ra nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, Agribank đã triển khai 4 chương trình cho vay ưu đãi dành cho DN xuất nhập khẩu, DN đầu tư nước ngoài, khách hàng lớn và DN nhỏ và vừa. Agribank cũng dành gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng cho phân khúc khách hàng cá nhân. Đồng thời, ngân hàng cũng cam kết tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hợp lý bằng cách chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, hỗ trợ khách hàng sản xuất kinh doanh tạo động lực để tăng trưởng kinh tế.

Hiện các ngân hàng vẫn đang đưa ra những mức lãi suất khá cạnh tranh, bình quân khoảng 6-7% với những khoản vay ngắn hạn, 8-9%/năm với các khoản vay mới trung - dài hạn nhằm giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận hơn với các khoản vay.
Hiện các ngân hàng vẫn đang đưa ra những mức lãi suất khá cạnh tranh, bình quân khoảng 6-7% với những khoản vay ngắn hạn, 8-9%/năm với các khoản vay mới trung - dài hạn nhằm giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận hơn với các khoản vay.

Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang lên kế hoạch giải ngân vốn ngay từ đầu năm với các gói tín dụng ưu đãi dành cho từng nhóm khách hàng ưu tiên. Theo Phó Chủ tịch Thường trực HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo, ngân hàng sẽ tăng cường cung cấp vốn cho các lĩnh vực nông nghiệp, vùng sâu vùng xa, DN vừa và nhỏ, chuỗi cung ứng, bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, và tài chính vi mô. HDBank cũng đẩy mạnh hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ như AI, Big Data, Blockchain, đồng thời tham gia tài trợ các dự án đầu tư công, hạ tầng giao thông, và logistics.

Tổng Giám đốc OCB Phạm Hồng Hải cho biết, năm 2025 OCB tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ, đây là chiến lược xuyên suốt của OCB trong các năm qua. Đồng thời, OCB hướng đến những ngành là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng mở rộng như năng lượng, FMCG, logistic, bất động sản nhà ở và mở rộng tệp khách hàng FDI. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động mở rộng mô hình ngân hàng mở và đẩy mạnh tín dụng xanh.

Các ngân hàng khác cũng cho biết, ưu tiên vốn sẽ tập trung vào các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như các dự án BOT, nhà ở xã hội, và phát triển khoa học công nghệ. Hiện các ngân hàng vẫn đang đưa ra những mức lãi suất khá cạnh tranh, bình quân khoảng 6-7% với những khoản vay ngắn hạn, 8-9%/năm với các khoản vay mới trung - dài hạn nhằm giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận hơn với các khoản vay.

Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), mục tiêu tăng trưởng tín dụng hai con số kéo theo tín dụng tăng 18-20% năm nay là rất thách thức. Nếu bơm lượng tiền lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng, tỷ giá và lạm phát sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: "nếu cho vay tích cực, đúng đối tượng và phát huy được nguồn vốn cũng như bảo đảm được an toàn, lành mạnh của ngân hàng thì việc chủ động được nâng cao. NHNN sẽ kiểm soát cũng như đảm bảo tổng thể mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế".