Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay, “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp tốt

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay đang được các ngân hàng nỗ lực triển khai dịp cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, làm sao để hai bên tìm được tiếng nói chung trong bối cảnh ngân hàng đang “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp tốt là câu hỏi được đặt ra.

ABBank đang triển khai chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm
ABBank đang triển khai chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm

Lãi suất giảm, doanh nghiệp bớt áp lực

Hưởng ứng chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và NHNN hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau ảnh hưởng của Covid-19, các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất vay cho khách hàng doanh nghiệp (DN) trong 2 tháng cuối năm.

Với tổng quy mô lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, LienVietPostBank mới đây công bố ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất vay lên tới 1%/năm cho khách hàng DN, đặc biệt là các DN xuất khẩu - đơn vị đem về nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Bên cạnh đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn cũng được hỗ trợ giảm lãi suất.

Hai tháng cuối năm 2022 được xem là cao điểm về nhu cầu vốn vay của DN. Việc giảm lãi suất sẽ góp phần giảm bớt áp lực khó khăn về chi phí, hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Tại ABBank, ngân hàng này đang triển khai chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm, dành riêng cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Cụ thể, chương trình có thời hạn đến 31/12/2023 với tổng hạn mức 350 tỷ đồng, áp dụng đối với đối tượng khách hàng là DN, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã,… phát sinh hợp đồng vay vốn ngắn hạn bằng VND với mục đích vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các chương trình ưu đãi lãi suất được ngân hàng triển khai trên cơ sở hưởng ứng chỉ đạo của NHNN tại thông tư Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 09/06/2015 và Quyết định 1813/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022. Theo đó, các ngân hàng sẽ ưu tiên giải ngân cho khách hàng có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một trong các các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên như: Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất – kinh doanh hàng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao…

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Quyền Tổng Giám đốc ABBank chia sẻ: “Với định hướng phát triển là ngân hàng bán lẻ, lấy khách hàng làm trọng tâm, ABBank đặc biệt chú trọng xây dựng giải pháp tín dụng, sản phẩm chuyên biệt phục vụ lĩnh vực sản xuất kinh doanh.”.

Khơi thông kênh “dẫn tiền vào DN”

Hiện, nhu cầu vốn của DN và nền kinh tế rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận vốn còn rất hạn chế. Các kênh tiếp cận vốn của DN từ tín dụng ngân hàng, trái phiếu DN, thị trường chứng khoán đều gặp khó. Mới đây, NHNN chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, room tín dụng năm 2022 thêm 1,5 - 2% trên toàn hệ thống ngân hàng, mở ra kỳ vọng cho nền kinh tế và các DN.

TS Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia so sánh, DN như ruộng khô thiếu nước, tức đang thiếu tiền, trong khi có một hồ chứa nước rất lớn là tiền ở bên cạnh. “Tuy nhiên, kênh dẫn nước từ hồ chảy vào ruộng bị nghẽn. Do đó, nước không thiếu nhưng ruộng vẫn khô, tiền không thiếu nhưng vốn không có. Việc NHNN nới room tín dụng từ 1,5 - 2%, tương đương 200.000 tỷ đồng như nước trong hồ chảy một phần qua ruộng để giải tỏa hạn hán” - ông Trần Du Lịch nói.

Vừa qua, NHNN vừa quyết định nới 1,5 - 2% trên chỉ tiêu 14% để tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt trên 15,5 - 16%. Theo TS Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), chỉ còn khoảng 3 tuần cuối tháng 12 để hệ thống ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế từ 3,5 - 4% là rất thách thức. “Làm sao để ngành ngân hàng tiêu 300.000 - 400.000 tỷ đồng dù nhu cầu vốn của DN và nền kinh tế rất lớn? Vì tổ chức tín dụng cũng là DN, họ cho vay trên các điều kiện, điều khoản cho vay, không thể hạ chuẩn, cho vay những doanh đang lỗ… Vì tiền cho vay ra là từ huy động của người dân” - ông Phạm Chí Quang nói.

Trong bối cảnh khó khăn, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định, ngân hàng thương mại cũng phải ''đốt đuốc'' tìm DN tốt để cấp hạn mức tín dụng, cho vay. Tất nhiên, ông Phạm Chí Quang cho rằng, DN phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được nguồn tín dụng này.

Về phía DN, tại một cuộc tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel cho biết, DN là tế bào của xã hội nhưng đang rất khó khăn. “Hôm qua, tôi ngồi cùng một DN có 5.000 công nhân mà đứt đơn hàng từ tháng 7 đến giờ, không tìm được nguồn. Tôi không kêu cho tôi, không kêu cho Vietravel. Chúng ta khó khăn đồng bộ, chọn mặt gửi vàng không dễ. Nhưng điều tôi trăn trở, băn khoăn là thiết kế chính sách kịp chưa, đúng chưa, nhanh chưa và chúng tôi đề xuất có hướng cải thiện” - ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, DN hiện rất tắc, 3 kênh vốn là ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu đều tắc nghẽn, may quá còn vốn tín dụng. ''Chứng khoán tăng vốn, ra cơ quan quản lý xin tăng vốn không cho 5 tháng nay. Dù nhà đầu tư có rồi, vào chia sẻ rồi cũng không vào được? Trái phiếu lại đang khủng hoảng niềm tin. Vì vậy, chúng tôi cần chính sách thiết kế cho kênh này thông thoáng hơn" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu kiến nghị.