Trong 2 ngày (2 - 3/6), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và UBND tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Tọa đàm "Triển khai chương trình tín dụng khai thác hải sản xa bờ".
Tại đây, BIDV đã công bố chương trình tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ chủ tàu là ngư dân, doanh nghiệp đóng, mua mới, cải hoán, nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác, cung cấp dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản xa bờ. Lãi suất cho vay đối với kỳ trung, dài hạn được BIDV đề xuất là 2%/năm, ân hạn năm đầu tiên khi đóng mới với lãi suất 0%/năm (tính từ ngày thực hiện giải ngân). Lãi suất vay vốn lưu động là 5%/năm.
Cũng trong dịp này, BIDV và UBND tỉnh Bình Định đã ký hợp tác đóng mới, phát triển đội tàu công suất lớn giai đoạn 2014 -2017; ký kết tài trợ tín dụng giai đoạn đầu đóng mới 27 tàu đánh bắt hải sản công suất lớn trị giá khoảng 150 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và hộ ngư dân…
Trước đó, ngày 30/5, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Quảng Ngãi (Vietcombank Quảng Ngãi) và Liên đoàn Lao động tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ cho hơn 3.000 đoàn viên của 7 nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh tiếp cận với nguồn vốn vay của Vietcombank giai đoạn 2014 - 2018. Thực tế, từ giữa năm 2012 đến cuối tháng 5/2014, doanh số cho vay phát triển kinh tế biển của Vietcombank tại Quảng Ngãi là trên 310 tỷ đồng. Nhiều tàu đóng mới và cải hoán, nâng công suất làm ăn hiệu quả đạt từ 1 - 2 tỷ đồng/năm, các chủ tàu luôn trả nợ đúng hạn.
Theo đại diện các ngân hàng, với mục tiêu phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, chương trình cần được Nhà nước hỗ trợ một cách toàn diện và coi ngư dân như lực lượng chủ lực, nòng cốt phát triển kinh tế biển. Về phía NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, nguồn tiền khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất 3% hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ khi nào có đầy đủ cơ sở pháp lý.
Nhiều ngân hàng đồng loạt hỗ trợ vốn cho ngư dân.
|
Ngày 3/6, trao đổi bên hành lang Kỳ họp Quốc hội, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Gói đầu tư hỗ trợ cho ngư dân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư không nên chỉ dừng ở con số 16.000 tỷ đồng, mà phải hơn thế nữa. Hiện, những biện pháp của Chính phủ trong việc đầu tư hỗ trợ ngư dân cũng như lực lượng chấp pháp trên biển mới chỉ là tạm thời, chưa phải là chính sách có tính chiến lược. Chúng ta phải tính toán xem xét đầu tư vào những việc khác, như hỗ trợ nhà đầu tư bị một số thành phần quá khích đập phá, hỗ trợ công nhân, vấn đề tăng cường an ninh... Nói tóm lại, lúc này phải cần rất nhiều tiền. Còn 16.000 tỷ đồng ở đâu ra, đó là từ cân đối một số nguồn dư ra. Nhưng quan điểm của tôi là, còn nhiều nguồn cần phải cắt nữa, như cắt những khoản chi tiêu thường xuyên linh tinh: đi nước ngoài, mua sắm xe công... Như vậy, chúng ta có thể tăng 5.000 - 10.000 tỷ đồng cho tài khóa năm nay để đầu tư giải quyết những vấn đề liên quan đến Biển Đông mà không phải tăng bội chi, còn sang năm tới, chúng ta phải tính bài bản hơn.Còn về ngư nghiệp, tôi cho rằng, có 2 loại đầu tư phải làm. Thứ nhất, phải xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá mà chúng ta đã quy hoạch thành 5 khu, xây dựng ngay một khu ở miền Trung trước. Thứ hai, xây dựng quỹ và có định chế để có thể đóng tàu thuyền cho ngư dân thuê... Tất cả những cái đó phải tính dài hơi, tôi đề nghị Chính phủ nên tính toán những việc đó để đến Kỳ họp tới đưa ra Quốc hội để bàn và quyết". (Hà Bình ghi) |