Ngân hàng Dự trữ Australia hạ lãi suất lần đầu trong hơn 2 năm qua

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc hạ lãi suất sẽ có lợi cho các lĩnh vực đang gặp khó khăn vì đồng Australia (AUD) ở mức cao, đặc biệt là chế tạo và du lịch.

Ngày 1/11, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã quyết định hạ lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản xuống 4,5% và là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2009, nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế và vực dậy niềm tin kinh doanh cũng như tiêu dùng, trong khi tỷ lệ lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Những lo ngại về các vấn đề nợ công ở châu Âu đang tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến kinh tế Australia thông qua sự sụt giảm nhu cầu.

Việc hạ lãi suất sẽ có lợi cho các lĩnh vực đang gặp khó khăn vì đồng Australia (AUD) ở mức cao, đặc biệt là chế tạo và du lịch.

Lĩnh vực bất động sản cũng nhận được sự hỗ trợ, khi hoạt động xây dựng bị đình đốn, trong lúc giá nhà giảm. Bên cạnh đó, với mức thế chấp trung bình cho các khoản vay là 300.000 AUD (321.000 USD), lãi suất giảm sẽ giúp các gia đình nước này tiết kiệm 600 USD mỗi năm.

Lãi suất chuẩn tại Australia giảm xuống mức thấp nhất là 3%, khi nước này mạnh tay hạ lãi suất trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Australia bắt đầu tăng lãi suất trở lại từ tháng 10/2009 và lần tăng cuối cùng là vào tháng 11/2010, với mức tăng 25 điểm cơ bản, lên 4,75%.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lần hạ lãi suất này không phải là sự mở đầu cho chiến lược nới lỏng tiền tệ của Australia, khi lĩnh vực khai mỏ của nước này vẫn tiếp tục bùng nổ.

Australia đã duy trì các mức lãi suất cao nhất trong số các nước phát triển trong gần một năm, do sức ép lạm phát xuất phát từ sự bùng nổ của lĩnh vực khai mỏ.

Tuy nhiên, sức ép này đã giảm bớt khi số liệu mới công bố cho thấy lạm phát trong quý 3 tăng chậm nhất trong 13 năm và mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong năm qua chỉ ở mức 2,5%, so với mục tiêu đề ra là 2-3%, khi nhu cầu giảm và đồng AUD tăng cao.

Australia, nền kinh tế phát triển duy nhất đã không bị rơi vào suy thoái, được đánh giá là có những điều kiện thuận lợi để nới lỏng chính sách tiền tệ, kích thích tăng trưởng kinh tế, trong khi nhiều nước giàu khác không còn khả năng cắt giảm lãi suất, do buộc phải thắt lưng buộc bụng để đối phó với nợ công.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ có cuộc họp trong tuần này về các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế hơn nữa, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể bàn về việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong cuộc họp ngày 3/11.