Ngân hàng đua thanh lý ô tô, người mua ngại thủ tục, chất lượng xe

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hàng loạt ngân hàng (NH) liên tục phát đi thông báo về việc bán thanh lý tài sản bảo đảm là ô tô để thu hồi và xử lý các khoản nợ đi kèm.

Ồ ạt thanh lý ô tô

TPBank đã ra thông báo bán đấu giá 5 ô tô thương hiệu Toyota, Chevrolet và Kia để thu hồi các khoản nợ tại nhà băng này. Các mẫu xe được rao bán đợt này bao gồm Toyota Vios E với giá khởi điểm 381 triệu đồng; xe Ford giá khởi điểm 502 triệu đồng; Kia Thaco Frontier giá 269 triệu đồng; Chevrolet Aveo giá 207,7 triệu đồng; Chevrolet Colorado với giá khởi điểm 393 triệu đồng.

Ngân hàng SeABank cũng thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là 1 ô tô Mercedes Benz C-Class C250 sản xuất năm 2015, giá khởi điểm 880 triệu đồng hay chiếc Mazda3 đời 2017 với giá khởi điểm 490 triệu đồng.

 

Ngân hàng VIB đang tiến hành thanh lý nhiều mẫu xe ô tô

Techcombank cũng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là 30 ôtô. Trong đó, có 2 chiếc Toyota Camry 2.4 và 2 ôtô Toyota Camry 3.5 với giá khởi điểm lần lượt từ 280 triệu đồng và 260 triệu đồng mỗi xe.

Danh sách tài sản bán đấu giá vừa cập nhật của VPBank có 22 ô tô các loại hiệu Hyundai, Chevrolet, Ford, BMW, ôtô tải Trường Giang… Giá khởi điểm từ 276 triệu đồng đến 3,14 tỷ đồng/chiếc tùy loại. Vào cuối tháng 6, VPBank cũng thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản để thanh lý 17 ô tô khác.

Trước đó, các NH thương mại khác như BIDV, Vietcombank, SCB, Sacombank… cũng rao bán nhiều ô tô của khách hàng trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Nhiều NH thương mại khác liên tục đăng tải thông tin liên quan đến thanh lý tài sản thế chấp, lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản hoặc thông báo thu giữ tài sản thế chấp của khách hàng, trong đó có ô tô. Tại nhiều NH, các thông tin về tài sản cần thanh lý như loại xe, hình ảnh thực tế, giá khởi điểm… được đăng tải công khai trên website.

Người mua không mặn mà

Dịch bệnh bùng phát, kinh tế khó khăn, nợ xấu gia tăng, câu chuyện các NH đua nhau thanh lý tài sản bảo đảm từ bất động sản đến xe ô tô. Trong đó, xe ô tô mà các NH thanh lý là xe thu hồi từ những người vay NH lấy chiếc xe đó làm tài sản thế chấp. Khi không đủ khả năng trả nợ thì người vay buộc phải trả bằng chính chiếc xe đó. Tài sản này được các NH thu hồi, đưa về kho bãi một thời gian rồi tiến hành đấu giá, thanh lý nhằm thu hồi vốn.

Tài sản thanh lý được NH rao bán theo hai hình thức mua bán trực tiếp hoặc thông qua đấu giá. Các NH thường thuê một đơn vị khác để định giá tài sản trước khi bán. Khách hàng có thể liên hệ với NH và làm các thủ tục nếu muốn mua trực tiếp, còn hình thức bán đấu giá sẽ thông qua một công ty thứ ba. Sau đó, các đơn vị này sẽ thực hiện các bước để đấu giá những chiếc xe theo quy trình bao gồm: Đăng thông tin về tài sản cần đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến hành đấu giá và thực hiện giao dịch.

Người mua khi có nhu cầu mua theo hình thức này sẽ phải mua, điền hồ sơ đấu giá, tham gia đấu giá mới có thể mua được xe. Sau khi đấu giá thành công, quá trình giao dịch sẽ được thực hiện như mua bán xe bình thường.

Đáng chú ý, mức giá mà các NH đưa ra luôn có sức hấp dẫn bởi nó thấp hơn giá thị trường, phù hợp với khả năng kinh tế của nhiều người hơn. Nó cũng “đánh” vào tâm lý thích mua đồ cũ của người Việt, cũng như quan điểm hàng thanh lý thường là hàng đại hạ giá. Thế nhưng, không phải khách hàng nào cũng mặn mà mua ô tô thanh lý từ NH.

Phụ trách quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một NH tại Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, thu cả hàng trăm chiếc nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu.

Ông Lê Ngọc Kiên, chủ đại lý xe cũ ở quận Long Biên cho biết, đối với xe thanh lý từ NH, thông thường xe đẹp, chất lượng tốt đều đã được nhân viên NH hoặc "người quen" mua trước. Còn lại xe xấu, xuống cấp mới đưa ra đấu giá để các đại lý, doanh nghiệp kinh doanh xe cũ mua lại.

Ngoài ra, việc mua được những chiếc xe thanh lý của NH cũng không hề đơn giản. Chắc chắn sẽ có nhiều bất cập, người mua mất rất nhiều thời gian để làm giấy tờ sang tên đổi chủ. Trong khi đó, các đại lý chưa rõ xe thanh lý không được đăng kiểm trong thời gian dài có được cơ quan chức năng cho phép tiếp tục đăng kiểm hay phải đăng kiểm lại? Tất cả các chi phí này sẽ khiến giá xe do NH thanh lý bị "đội" lên đáng kể.

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc phải thanh lý tài sản cũng là việc “cực chẳng đã” của cả đôi bên, vì thế, tài sản đưa ra rao bán thường có giá "mềm" hơn nhiều so với thị trường. Tuy nhiên, có một thức tế là dù nhìn thì “ngon ăn”, nhưng với những người có ý định mua tài sản phát mãi lại là vấn đề cần phải tính toán “vì việc mua bán này phải qua nhiều thủ tục giải chấp, nếu phát sinh trục trặc thì người mua sẽ phải chịu thiệt”, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Thêm nữa, nếu mua xe mới hay xe cũ ở ngoài, ở các công ty dịch vụ hay cá nhân nào đó đều có cam kết bảo hành, còn xe thanh lý NH không có dịch vụ này, sau khi mua nếu có hư hỏng hay vấn đề gì đều phải tự chịu hoàn toàn mọi chi phí, nhất là xe thế chấp NH mất một thời gian dài “nằm bãi” gửi tới vài tháng, thậm chí một vài năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần