Ngân hàng hướng sang bán lẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối kinh tế còn nhiều khó khăn, tín dụng tăng ì ạch, việc bán vốn cho các khách hàng doanh nghiệp (DN) lớn bị hạn chế, nhiều ngân hàng đang chuyển hướng sang đẩy mạnh kênh bán lẻ.

 Cho vay tiêu dùng và phát triển dịch vụ đang là hai kênh bán lẻ được khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tích cực triển khai.

Sôi động cho vay tiêu dùng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 4/2014, tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng 0,62% so với cuối năm 2013. Tín dụng tăng chậm khiến nhiều ngân hàng TMCP bắt đầu tập trung phát triển thị trường bán lẻ. Nếu như trước đây, các ngân hàng tập trung nhiều vào mảng bán buôn, cho vay và cung cấp sản phẩm dịch vụ cho những DN lớn, các dự án, công trình và những tập đoàn kinh tế… thì thời gian gần đây, các sản phẩm bán lẻ dành cho khách hàng cá nhân lại đang đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng.
Giao dịch tại một chi nhánh Techcombank Hà Nội.        Ảnh: Việt Linh
Giao dịch tại một chi nhánh Techcombank Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Cuộc đua cho vay tiêu dùng với các ưu đãi về lãi suất và điều kiện cho vay đang được nhiều ngân hàng tiếp tục triển khai. Nhiều ngân hàng thậm chí còn tung ra các sản phẩm cho vay mua/sửa chữa nhà cửa, mua ô tô… lãi suất thấp đến 0%, không cần tài sản thế chấp. Cụ thể, từ nay đến hết tháng 9/2014, các khoản vay nhà đất, vay kinh doanh, vay tiêu dùng thế chấp bất động sản tại VPBank được hưởng mức lãi suất 5%/năm và 5,5%/năm với khoản vay mua ô tô thế chấp bằng chính chiếc ô tô đó trong 6 tháng đầu. Tại SHB, khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở tại Dự án Thăng Long Victory sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi nhất và thời hạn vay lên tới 20 năm, mức cho vay tối đa tới 90% giá trị căn hộ…

Bên cạnh "trận chiến" cho vay tiêu dùng, phát triển bán lẻ dịch vụ cũng đang được nhiều ngân hàng đẩy mạnh. Đó là việc ngân hàng triển khai liên kết với các cửa hàng, siêu thị… giảm giá cho chủ thẻ thanh toán, miễn phí mở tài khoản cá nhân, phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng, sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến….

Sống khỏe nhờ bán lẻ

Đẩy mạnh bán lẻ là định hướng được nhiều ngân hàng đặt ra từ đầu năm 2014. Nhờ kênh này mà lợi nhuận ngân hàng những tháng đầu năm nay vẫn đạt mức khá dù kinh tế chưa phục hồi, DN vẫn khó khăn.

Lãnh đạo SHB cho hay, lợi nhuận mà SHB có được những tháng đầu năm 2014 là nhờ đẩy mạnh bán lẻ và tài trợ một số dự án lớn. Mục tiêu của SHB là lợi nhuận thu được từ dịch vụ chiếm 15% tổng lợi nhuận năm 2014 và sẽ nâng dần tỷ lệ này lên. "Chủ trương của SHB là trở thành một ngân hàng bán lẻ đa năng, để nói đến SHB là nói đến ngân hàng bán lẻ" - ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB nhấn mạnh.

Tại Techcombank, tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận cũng đến chủ yếu từ lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ. Trong tổng lợi nhuận 673 tỷ đồng quý I/2014 của Techcombank, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 435 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65% tổng lợi nhuận trước thuế, tăng đáng kể so với số cùng kỳ năm ngoái, lần lượt là 122 tỷ đồng và 30%.

Không chỉ khối ngân hàng TMCP, các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng khẳng định, sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ. Tại Vietcombank, dù phần lớn lợi nhuận đến từ kênh tín dụng cho các DN, tập đoàn lớn nhưng lãnh đạo ngân hàng này vẫn cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ để cạnh tranh với các ngân hàng khác.

Theo các chuyên gia kinh tế, sản xuất phục hồi chậm, cho vay DN khó khăn, nên ngân hàng nào chuyển hướng nhanh sang bán lẻ và dịch vụ sẽ duy trì được lợi nhuận. Và cuộc đua trong lĩnh vực này đang trở nên khốc liệt hơn với sự tham gia của ngày càng nhiều ngân hàng.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần