Ngân hàng “hút” lộc đầu Xuân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày sau Tết, lượng người dân đến gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng (NH) đã tăng một cách đáng kể.

Tiết kiệm nhộn nhịp

Vừa ra Tết, chị Kim Oanh, ở Láng Hạ chia sẻ, chị vừa quyết định gửi 100 triệu đồng vào Chi nhánh VietinBank trên phố Nguyễn Chí Thanh với lãi suất 6%, kỳ hạn một năm. “Đây là tiền cả nhà dồn lại, từ tiền lương, thưởng Tết còn để dành lại được của hai vợ chồng. Ngoài ra, còn một khoản khá lớn là từ tiền trả nợ của cậu em vay từ năm ngoái, nhưng vì trả nợ sát Tết nên chưa gửi được, giờ dồn vào đây mở chung một quyển sổ luôn. Đối với người làm công ăn lương, đây là số tiền khá lớn. Cũng muốn mang tiền đi đầu tư để sinh lời , nhưng chưa biết chọn kênh nào, nên trước mắt cứ gửi tiết kiệm lấy lãi đã”, chị Oanh cho biết.
Giao dịch tại một chi nhánh VietinBank Hà Nội. 	 Ảnh:  Trần Việt
Giao dịch tại một chi nhánh VietinBank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, những ngày đầu năm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, năm nào lượng tiền huy động của VietinBank cũng tăng hơn năm trước đó vì có mạng lưới rộng. “Năm nay lượng huy động của VietinBank tăng khá cao, khách hàng chủ yếu đến gửi tiền vào tài khoản, chuyển tiền cho người thân và gửi tiết kiệm” – ông Thọ cho biết. Theo thông tin từ Sacombank, trong 5 ngày làm việc đầu tiên của năm Bính Thân, số lượng giao dịch tại NH này mỗi ngày tăng gấp 1,5 lần so với mức trung bình của những ngày bình thường. Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều ngân hàng. Thông thường trước Tết, lượng tiền được các tổ chức cá nhân rút ra từ hệ thống NH tăng cao. Điều này, có nghĩa là sau Tết lượng tiền mặt lưu thông tại các tổ chức và người dân rất dồi dào nên các NH tranh thủ tập trung huy động nguồn tiết kiệm nhàn rỗi nhằm đảm bảo tính thanh khoản.

Quyết liệt từ đầu năm

Việc “lộc” vào nườm nượp cũng không làm các ngân hàng lơ là việc giữ chân khách hàng. Đến thời điểm này, hàng loạt chương trình khuyến mãi được tung ra. Ngoài phần lì xì, còn có hàng loạt phần thưởng được treo tùy theo quy mô từng NH cũng như số tiền gửi của khách. Anh T. nhân viên tín dụng của chi nhánh một NH trên phố Xã Đàn chia sẻ, ngay những ngày làm việc đầu năm mỗi nhân viên NH được giao chỉ tiêu huy động tối thiểu 2 tỷ đồng nên phải chạy đôn, chạy đáo để tìm kiếm khách hàng. Đây cũng là chỉ tiêu mà nhiều NH khác áp dụng cho nhân viên.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách bán lẻ của một NHTM cho rằng tình hình huy động vốn của ngành NH trong năm nay có thể vẫn ở mức tăng trưởng 12 - 13% như năm ngoái. Nguyên nhân là bởi chỉ một bộ phận nào đó có nhu cầu đầu tư vào các kênh khác như bất động sản, vàng, chứng khoán,... còn lại đa số người dân vẫn có thói quen tích lũy tiền qua việc gửi tiết kiệm.

Thực tế, thời điểm đầu năm, đa số người gửi tiền tiết kiệm đều chọn các kỳ hạn dài từ 6 đến 12 tháng để được hưởng lãi suất cao. Nắm bắt tâm lý trên, nhiều NHTM đã áp dụng mức lãi suất dài hạn hấp dẫn, nhiều nơi lên tới trên 7%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Một số NHTM đã bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,2 – 0,5%/năm. Mặc dù cạnh tranh gay gắt trong huy động vốn, tuy nhiên, nhiều NH kỳ vọng sau Tết tình hình sẽ bớt căng thẳng hơn khi tiền gửi tiết kiệm chảy vào nhiều giúp giảm lãi suất cho vay.

Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, lãi suất liên NH đã tăng mạnh trong nửa cuối tháng 1 và nửa đầu tháng 2 khi nhu cầu thanh khoản của hệ thống NH gia tăng vào dịp Tết âm lịch. Cụ thể, tính đến giữa tháng 1/2016, hàng loạt NHTM đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi theo hướng tăng nhẹ ở các kỳ hạn. Đến đầu tháng 2/2016, thêm một số NH tham gia xu hướng này. Nếu trước Tết Nguyên đán, chỉ một số NH cổ phần nhỏ tăng lãi suất để bảo đảm thanh khoản thì sau Tết, làn sóng này đã có sự tham gia của nhiều NH lớn, NH có vốn Nhà nước.