Tăng cả kỳ hạn ngắn
Hơn một tuần qua, nhiều ngân hàng đẩy lãi suất kỳ hạn 6 tháng vượt 8%/năm, thay vì phải gửi kỳ hạn 12 tháng mới có mức lãi suất này. Một số ngân hàng đang dẫn đầu thị trường khi trả lãi suất lên tới 8%/năm đến 8,21%/năm cho các kỳ hạn huy động tiền đồng từ 6 tháng trở lên gồm: NamABank, CBBank và SCB. Tại SCB, mức lãi suất huy động chỉ riêng ở kỳ hạn 6 tháng sẽ tăng dần từ 8,03%/năm lên 8,21%/năm tương ứng với số tiền gửi tăng dần.
Lãi suất huy động là một trong những yếu tố tác động đến lãi suất cho vay, tuy nhiên nó không thể tác động chung đến mặt bằng lãi suất cho vay tới tất cả các đối tượng được. Ví dụ, có nhiều đối tượng kinh doanh tốt, lịch sử trả nợ tốt… thì sẽ được hưởng chế độ cho vay ưu đãi hơn; còn những đối tượng nhiều rủi ro thì hiển nhiên phải chấp nhận lãi suất vay cao. TS Bùi Quang Tín - Chuyên gia tài chính - ngân hàng |
Trước đó trong tháng 8, một số ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao như Ngân hàng TMCP Bản Việt huy động kỳ hạn 6 tháng lãi suất 7,6%/năm; Eximbank 7,5%/năm; Vietbank 7,7%/năm; và hàng loạt ngân hàng khác cũng đang trả lãi suất từ 7%/năm trở lên cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên như: NCB, PVcombank, BaoVietBank, VietCapitalbank, VietABank, VIB, Eximbank, BacABank, TPBank, VietABank, SHB, ACB, Sacombank, HDBank... Các mức lãi suất đang được các ngân hàng nói trên áp dụng là rất cao. Khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa các nhóm NHTM ngày càng lớn, lên cao nhất khoảng 2,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.
Theo quy định, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ áp trần các mức lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, tối đa không quá 5,5%/năm, riêng các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, các NHTM tự thoả thuận với khách hàng.
Lãi suất cho vay có tăng?
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn trung và dài hạn là để hút tiền nhàn rỗi, có thêm nguồn vốn, tiếp tục tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, đồng thời để đáp ứng các yêu cầu về hệ số an toàn vốn (CAR) theo yêu cầu của NHNN. Đặc biệt là để đáp ứng tốt hơn các quy định về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Cũng vì nhu cầu vốn nên không chỉ tăng lãi suất huy động, các ngân hàng liên tục chào bán chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao, có nơi vượt 10%/năm. Như Bản Việt vẫn dẫn đầu về lãi suất huy động với 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng. Với các kỳ hạn khác 24 - 48 tháng là 9,5 - 10%/năm. VietABank phát hành chứng chỉ tiền gửi 9,1% với kỳ hạn lần lượt 61 tháng và 24 tháng với tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng. SHB phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và giá trị trên 2 tỷ đồng, các kỳ hạn 12 - 24 tháng có lãi suất 8,6 - 8,8%/năm…
Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng phát hành lượng lớn trái phiếu từ đầu năm nhằm bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II, như BIDV, VietinBank, VPBank, TPBank, ACB... Riêng Agribank từ 24/9 bắt đầu phát hành 5 triệu trái phiếu ra công chúng với quy mô 5.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm với lãi suất kỳ đầu là 8,1%/năm và được thả nổi cho các kỳ sau.
Việc tăng lãi suất đầu vào làm dấy lên lo ngại sẽ tác động tới vay sản xuất thế nào? Các chuyên gia cho rằng, đợt giảm 0,25% các lãi suất điều hành của NHNN hôm 16/9 vừa qua sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng. “Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng, trong bối cảnh lãi suất đầu vào có nhích lên trong thời gian qua”- bộ phận nghiên cứu SSI nhận định.
Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cho hay: "Dù lãi suất cho vay chịu nhiều sức ép nhưng thời gian vừa qua, các NHTM vẫn cố gắng ổn định lãi suất cho vay. Đợt tăng lãi suất này có khả năng tác động lên mặt bằng lãi suất cho vay, nhưng nó chỉ tác động lên cá nhân vay, còn các DN vay sản xuất, kinh doanh thì lãi suất vẫn ổn định hoặc có thể giảm xuống ở một số lĩnh vực ưu tiên".