Ngân hàng nào đang là quán quân trên đường đua tiền gửi không kỳ hạn?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Năm 2021, thu nhập hoạt động Techcombank tăng 35,4%, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) dẫn đầu ngành đạt mức 50,5%

Tập trung chuyển đổi số, thúc đẩy giá trị giao dịch ngân hàng điện tử

2021 là một năm khó khăn đối với Việt Nam, do chịu những ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID. Trong bối cảnh nhiều thách thức đó, Techcombank vẫn cố gắng đạt kỷ lục hơn 1 tỷ USD lợi nhuận trước thuế. Điều này một lần nữa cho thấy sự đúng đắn trong lựa chọn và nỗ lực thực thi mô hình kinh doanh của ngân hàng. Thu nhập hoạt động cả năm tăng 35,4% và tỷ lệ CASA dẫn đầu ngành đạt mức 50,5%.  Đồng thời, ngân hàng không ngừng tập trung vào chuyển đổi và đầu tư vào công nghệ số để đáp ứng nhu cầu của tập khách hàng ngày càng tăng nhanh, góp phần tiếp tục thúc đẩy giá trị giao dịch ngân hàng điện tử, tăng ở mức ấn tượng 81%. 

Đánh giá về năm 2022, Lãnh đạo Techcombank lạc quan nhưng vẫn rất thận trọng. Việc chính phủ quyết tâm đẩy mạnh tiêm chủng giúp Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, cho phép quản lý tốt tình hình dịch bệnh dù có nhiều khó khăn liên quan đến biến thể Omicron. Ngoài ra, tình hình kinh doanh cũng khả quan hơn và việc đi lại giữa các nước cũng đang dần được nới lỏng. Techcombank luôn duy trì việc quản lý rủi ro thận trọng, tối ưu hóa chi phí, đầu tư vào con người và số hóa, nhờ đó chúng tôi có vị thế tốt để nắm bắt mọi cơ hội khi nền kinh tế dự kiến phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2022. “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục gắn bó, đồng hành cùng khách hàng trong những năm tiếp theo, như cách mà chúng tôi đã thực hiện trong suốt 2 năm đầy khó khăn vừa qua”- ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cam kết. 

Về kết quả kinh doanh của Techcombank, tổng thu nhập hoạt động năm 2021 tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 37,1 nghìn tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Thu nhập từ lãi đạt 26,7 nghìn tỷ đồng, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM - tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,9% của năm 2020). 

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 42,4%, đạt 7,8 nghìn tỷ đồng với sự đóng góp từ tất cả các loại phí chủ chốt. Thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), cấu phần lớn nhất trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ, đạt 3,6 nghìn tỷ và tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Phí từ hoạt động phân phối trái phiếu tăng 57,4% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 66,7% trong năm 2021, do công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) tiếp tục cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ với tập khách hàng lớn hơn (tăng 30%).

Phí dịch vụ bảo hiểm vẫn tiếp tục tăng 88,4% trong năm 2021, nâng mức phí này lên 1,6 nghìn tỷ đồng. Doanh thu khai thác mới (APE) trong quý 4 tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 104,5% so với quý 3, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng, và nhờ đẩy mạnh mối quan hệ đối tác giữa Techcombank và Manulife Việt Nam.

Chi phí hoạt động tăng 24,6% so với cùng kỳ, đạt 11,2 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,1%. Các khoản đầu tư vào công nghệ và chi phí marketing bắt đầu tăng trở lại khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, đồng thời tập khách hàng của cả Techcombank và TCBS đều tăng. 

Chi phí dự phòng ở mức 2,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, do ngân hàng chủ động trích trước đầy đủ dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu vào cuối năm 2021, thay vì phân bổ trong 3 năm với mức yêu cầu tối thiểu bắt buộc là 30% cho năm đầu.

Cho vay khách hàng cá nhân dẫn dắt tăng trưởng dư nợ

Tổng tài sản đạt 568,8 nghìn tỷ đồng tại ngày 31 tháng 12 năm 2021, tăng 29,4% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng cuối năm 2021 đạt 388,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so với cuối năm 2020, theo đúng hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp. Tăng trưởng dư nợ tín dụng được dẫn dắt bởi sự gia tăng của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 161,7 nghìn tỷ đồng.  Dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 16,6% so với cuối năm 2020, đạt 248.5 nghìn tỷ đồng.

Tổng tiền gửi tại ngày 31 tháng 12 năm 2021 là 314,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm ngoái. Các nguồn huy động vốn khác như khoản vay hợp vốn và giấy tờ có giá tăng trưởng lành mạnh, lần lượt đạt 27,3 nghìn tỷ đồng (tăng 136,6% so với 2020) và 33,7 nghìn tỷ đồng (tăng 20,7% so với 2020).

Tỷ lệ CASA đạt 50,5% tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2021 với số dư CASA đạt 158,9 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do CASA từ khách hàng cá nhân tăng 30,8% so với cuối năm ngoái. Tiền gửi có kỳ hạn đạt 155,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% so với cuối năm 2020, do ngân hàng đã tối ưu hóa cấu trúc vốn và bảng cân đối. 

Techcombank duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi đạt 75,0%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 28,8% tại cuối quý 4 năm 2021, giảm mạnh so với mức 32,6% cuối quý 3.  Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 15,0% cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 4 năm 2021 ở mức 0,7% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh, 162,9%, phản ánh sự thành công trong chiến lược quản trị của ngân hàng để vượt qua bất ổn do đại dịch COVID. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 1,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ, thấp hơn mức 2,8 nghìn tỷ đồng ở cuối quý 3/2021.