Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt cho biết, từ sau khi có chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát chặt tín dụng, nhà băng này không cho vay mới khoản bất động sản nào dù vẫn còn dư địa. Về việc giảm dư nợ cho vay phi sản xuất xuống 16% (trong đó có bất động sản), ông này cho biết nhà băng sẽ tập trung vào thu nợ nên khả năng hoàn thành mục tiêu này. Riêng cho với tín dụng bất động sản, ông Hưởng cho biết tỷ trọng vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Về khoản vay 100 tỷ đồng của Công ty địa ốc Dầu khí (đơn vị vừa công bố bán tháo dự án bất động sản để trả nợ ngân hàng trong đó có Bưu Điện Liên Việt), ông Hưởng cho biết, nhà băng đã có các phương án giải quyết, đảm bảo không ảnh hưởng đến nợ xấu.
Giám đốc chi nhánh một nhà băng cổ phần tại Hà Nội tiết lộ, ngoài việc siết nợ bất động sản, các khoản vay mới đối với lĩnh vực này gần như bị “bật đèn đỏ”. Cách đây vài tháng, ông này còn có quyền quyết định cho vay vài tỷ đồng với loại hình này. Giờ đây, mọi quyết định cho vay mà liên quan đến các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… đều phải gửi lên cho chủ tịch hội đồng tín dụng phê duyệt. Ông này chia sẻ: “Trên thực tế, điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng vay được là bằng không”. Tổng giám đốc ngân hàng Phương Đông (OCB) - ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, ngay khi chỉ thị 01 ban hành, nhà băng này đã lên kế hoạch giảm dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất bằng cách siết chặt và gần như không cho vay mới mà chỉ giải ngân cho những dự án cũ đã kí trước đó. Đến nay, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất của OCB chỉ còn khoảng 16% trên tổng dư nợ. Nếu tỷ lệ này xuống thấp nữa, OCB mới cân nhắc cho vay các hợp đồng mới trong đó có bất động sản nhưng phải xét duyệt hết sức gắt gao. Ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, từ trước ngày 30/6, tỷ trọng cho vay phi sản xuất của đơn vị này vẫn ở dưới 16%, thấp hơn so với con số mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Tuy nhiên, nhà băng này gần như không dồn vốn cho vay mới bất động sản, mà chủ yếu hướng đến sản xuất kinh doanh, xuất khẩu… “Giải ngân chỉ tiến hành với phần còn lại của dự án đã phê duyệt sắp hoàn thành hoặc những dự án đã được phê trước đó”, ông Tùng thông tin. Trong thu hồi nợ, dù không nói rõ tỷ lệ là bao nhiêu, nhưng Phó tổng giám đốc BIDV cho biết cũng có một số khoản nợ bất động sản phải cơ cấu lại. Vài doanh nghiệp bị chuyển nhóm nợ xấu hơn do thị trường khó khăn trong suốt thời gian vừa qua. Không bình luận cụ thể về việc các doanh nghiệp bán dự án để trả nợ ngân hàng, song Phó tổng giám đốc BIDV nhìn nhận, không nên xem đây là hiện tượng bán tháo vì mỗi đơn vị có chiến lược kinh doanh riêng, họ phải cân đối cái thiệt cái lợi giữa giảm giá bán và chi phí vốn bỏ ra sao cho hợp lý nhất. Trong số các nhà băng lớn, Agribank là đơn vị có tỷ lệ nợ xấu cao với mức 6,67% tổng dư nợ mà theo Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank – Nguyễn Ngọc Bảo, chủ yếu nằm ở lĩnh vực bất động sản của những dự án 2008-2009. Cũng vì thế, với các khoản vay mới trong lĩnh vực này, nhà băng này cực kỳ cẩn trọng, và chủ yếu tập trung thu hồi nợ. Với những nhà băng lỡ để tỷ lệ cho vay phi sản xuất hiện nay vẫn ở mức quá cao, không chỉ có bất động sản mà các lĩnh vực nhạy cảm khác cũng bị dừng. Tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ tại TP HCM chia sẻ, dù nhà băng ông đã dừng hẳn cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có cho vay bất động sản, tiêu dùng từ giữa năm nay, nhưng khả năng vẫn khó giảm được tỷ lệ xuống 16% đúng thời hạn 31/12. Hiện tại, dư nợ phi sản xuất của ngân hàng vẫn chiếm đến trên 30% trong đó rất nhiều khoản vay thuộc trung và dài hạn. "Để có thể đưa về đúng 16% trước ngày 31/12 quả là một việc quá sức đối với nhà băng", ông bộc bạch.