Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2021 được xem là năm tích cực của các nhà băng trong chuyển đổi số với loạt hoạt động chuyển đổi liên quan đến công nghệ và phương thức điện tử (eKYC). Hiện nay tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ khách hàng mở tài khoản online tăng rất nhanh, thậm chí chiếm đa số. Toàn bộ quá trình định danh khách hàng được thực hiện bằng eKYC, app đã gần như thay thế chi nhánh ngân hàng.

Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở thành lực đẩy buộc các ngân hàng chuyển đổi số nhanh hơn, kết quả là giao dịch ngân hàng trực tuyến có mức tăng đột biến. Nhiều ngân hàng đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ mới như công nghệ phi tiếp xúc, ứng dụng sinh trắc học trong xác thực khách hàng, tích hợp các dịch vụ khác nhau trên cùng ứng dụng, giao dịch từ xa, trợ lý ảo...

 Ngân hàng số tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh minh hoạ

Đến nay, thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hằng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị), nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số... Theo khảo sát của McKinsey, ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất khu vực.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, giá trị giao dịch trên kênh Internet và Mobile Banking của các ngân hàng trong quý II đạt 14.834 nghìn tỷ, tăng 21,3 lần so với cùng kỳ, riêng kênh Mobile Banking tăng 9,1 lần. Tính từ tháng 3 đến nay, có hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức định danh khách hàng eKYC.

Đáp ứng những thay đổi của thị trường, trong năm 2021, các ngân hàng đã tăng tốc đầu tư cho công nghệ số và đưa ra nhiều mô hình kinh doanh mới, hướng tới chuyển đổi toàn diện từ văn hoá "lấy sản phẩm làm trung tâm" sang "lấy khách hàng là trọng tâm". 

Bên cạnh cuộc đua về xây dựng và định vị thương hiệu, các sản phẩm ứng dụng ngân hàng số tiêu biểu là VCB Digibank, VPBank NEO, VietinBank iPay, My VIB… đang hiện hữu trên thị trường. Trong ngành ngân hàng đang có một cuộc đua ngầm khác là nâng cao năng lực core, công nghệ để chuẩn bị trước cho sự đe dọa từ các công ty fintech và dịch vụ mobile money trong thời gian tới. 

Đại diện của Techcombank chia sẻ, nhà băng đã lựa chọn Amazon Web Services (AWS) - một công ty thuộc tập đoàn toàn cầu Amazon.com, làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Trước đó, VietinBank cũng triển khai các giải pháp khai thác Big data, AI, học máy bao gồm ứng dụng big data, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy vào phân tích dữ liệu khách hàng. Trong khi đó, hệ sinh thái tiện ích của MBBank với những dịch vụ mới liên tục ra mắt trong năm 2021 như miễn phí đăng ký tài khoản trùng số điện thoại, chuyển tiền quốc tế online, miễn phí trọn đời nhiều loại phí giao dịch… và đặc biệt dịch vụ "tích xanh" nâng cấp mức độ bảo vệ cho tài khoản và thẻ thanh toán của MBBank. Còn Vietcombank ra mắt bộ giải pháp số hoàn toàn mới dành cho DN nhỏ và vừa, gồm dịch vụ ngân hàng số VCB DigiBiz cùng các sản phẩm thẻ DN Vietcombank Visa Business. Bộ giải pháp số này giúp DN có thể giao dịch nhanh chóng và tiết kiệm chi phí tối đa.

Ngân hàng tăng lợi nhuận nhờ chuyển đổi số, khách hàng hưởng lợi

Nhìn vào cơ cấu nguồn doanh thu tại báo cáo tài chính của các ngân hàng gần đây, có thể thấy xu hướng chuyển dịch nguồn thu lãi truyền thống từ tín dụng như trước đây sang tăng thu nhập ngoài lãi. Điều này thể hiện qua tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động (NII/TOI) của các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank... có xu hướng giảm dần.

Theo số liệu của NHNN, dự kiến trong vòng 3 - 5 năm tới, các ngân hàng số sẽ có mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu là 10%, và có 58,1% tổ chức tín dụng đặt kỳ vọng thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số, kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt trên 50%. Điều này cho thấy công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ diễn ra khá mạnh mẽ. Một nhóm các ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực đã và đang nổi lên dẫn đầu xu thế chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm của khách hàng như: Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VP Bank, MB Bank, TP Bank,…

Theo các chuyên gia, xu hướng chuyển đổi số chắc chắn khiến cạnh tranh trong ngành ngân hàng càng trở nên khốc liệt. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng sẽ lựa chọn chiến lược khác nhau để tối ưu hóa điểm mạnh của mình. Câu chuyện về chuyển đổi số còn dài, nhưng những ngân hàng có khát vọng chuyển đổi số mạnh mẽ kết hợp với tận dụng thế mạnh về vốn chắc chắn sẽ có lợi thế để phát triển, bứt phá và dẫn đầu trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh này sẽ mang lại lợi ích ngày càng lớn cho nền kinh tế và người tiêu dùng. Ngoài ra, với vai trò mạch máu nền kinh tế của hệ thống ngân hàng, chuyển đổi số trong ngân hàng là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung, tạo hệ sinh thái số về tài chính bao trùm hay tài chính toàn diện, kéo theo, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.

Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Để thực hiện mục tiêu nói trên, trong thời gian tới, NHNN tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm, như chuyển đổi nhận thức, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, phải phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời, cần phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi với chi phí thấp. (Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng)