Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó thiên tai

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/9, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn thành lập đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

 Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới chủ trì hội thảo
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng và Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì hội thảo. 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết và tổng thiệt hại kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm). Trước những thiệt hại, mất mát do thiên tai, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã nỗ lực khắc phục hậu quả, từng bước ổn định đời sống. Chia sẻ với Việt Nam, Chính phủ một số nước và nhiều tổ chức trong nước, quốc tế đã hỗ trợ tiền và hiện vật cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống thiên tai (PCTT) vẫn còn một số tồn tại như: Thiếu thông tin trong đầu tư các chương trình, dự án trong lĩnh vực PCTT dẫn đến việc chồng chéo trong hỗ trợ, đầu tư từ các tổ chức quốc tế. Đặc biệt là thông tin về thứ tự ưu tiên các chương trình, dự án và hành động cần tài trợ trong PCTT. Chưa có cơ quan điều phối hiệu quả các hoạt động hỗ trợ và đầu tư từ quốc tế trong PCTT trên phạm vi cả nước. Chưa có diễn đàn quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai nhằm thúc đẩy, điều phối các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. Công tác tiếp nhận và triển khai thực hiện viện trợ khẩn cấp trong PCTT còn nhiều bất cập.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione chia sẻ tại hội thảo: Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã thực hiện rất tốt chương trình về PCTT, tuy nhiên cũng có một số vấn đề cần quan tâm hơn trong tương lai.

Đầu tiên, cần phải xác định ảnh hưởng (đánh giá) những tác động của thiên tai trong phát triển kinh tế do vậy cần phải có chiến lược tổng hợp và định hướng rõ ràng trong giảm thiểu các tác động của thiên tai và giúp phát triển kinh tế. Trong đó, cần phải xác định những yếu tố và những ưu tiên trước mắt cũng như ngắn hạn, trung hạn lâu dài để có những định hướng. Tiếp theo cần quan tâm đến những công cụ về mặt tài chính trong đó có các công cụ về mặt tài chính để đáp ứng và huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình PCTT cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu giúp tăng trưởng về mặt kinh tế.

WB cam kết sẽ luôn hỗ trợ Chính phủ và Nhân dân Việt Nam trong PCTT tai cũng như thích ứng biến đổi khí hậu. Có 4 lĩnh vực mà Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện trong những năm tới.

Thứ nhất là hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng các kế hoạch cũng như ứng dụng các công nghệ trong quản lý thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Thứ 2 hỗ trợ về xây dựng năng lực tài chính, nâng cao năng lực tài chính trong đó xây dựng các công cụ tài chính để giúp Chính phủ cũng như người dân để chúng ta huy động các nguồn lực trong vấn đề ứng phó thiên tai cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ 3 là về chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới hiện nay vào Việt Nam. Đồng thời cũng đưa các kinh nghiệm của Việt Nam ra thế giới để làm sao các nước cùng Việt Nam trao đổi kinh nghiệm và bài học trong PCTT.

Cuối cùng không thể thiếu đó là việc tổ chức phối hợp, tức là giúp Việt Nam có thể có cơ chế tổng hợp trong vấn đề quản lý rủi ro thiên tai cũng như phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bao gồm nâng cao năng lực về thể chế, nâng cao năng lực về chính sách cũng như nâng cao năng lực cho các cơ quan ban ngành trong vấn đề tiếp cận tích hợp, tổng hợp trong PCTT. Ngân hàng thế giới mong muốn cùng với các tổ chức phát triển của Việt Nam hỗ trợ Chính phủ trong các lĩnh vực vừa nêu, đặc biệt là trong lĩnh vực điều phối cũng như hợp tác PCTT.