Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giảm lãi suất, duyệt vay siêu tốc, cho ra mắt nhiều gói tín dụng mới… những “chiêu” kích tín dụng này đang được các ngân hàng áp dụng triệt để. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc ngân hàng liên tục đưa ra các biện pháp đẩy mạnh cho vay đã giúp khách hàng tiếp cận được vốn vay dễ dàng hơn, cải thiện đáng kể tín dụng cho vay của ngân hàng.

Từ ngày 11/9/2012, Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) triển khai đồng loạt 5 sản phẩm tín dụng với thời gian duyệt vay siêu tốc (4 giờ) giúp khách hàng tiếp cận một cách tốt nhất các tiện ích và gia tăng giá trị cho khách hàng: Cho vay công chức, cho vay mua ô tô VNR500, cho vay mua xe máy đối với sinh viên, cho vay du học, cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Ngân hàng cũng triển khai chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay xuống 9%/năm cho khách hàng vay tiêu dùng.

Cụ thể, sản phẩm cho vay công chức áp dụng cho các khách hàng cá nhân là các cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, trường học, bệnh viện, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Khách hàng không cần tài sản thế chấp nhưng vẫn có thể vay với hạn mức tối đa lên đến 3 tỷ đồng; Thời hạn vay lên tới 60 tháng, linh hoạt theo nhu cầu tài chính của khách hàng, giải ngân siêu nhanh chỉ trong vòng 4 giờ, lãi suất tính trên dư nợ thực tế, theo hình thức trả gốc, lãi hàng tháng và được điều chỉnh 3 tháng một lần.
 
Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay - Ảnh 1

Với những sinh viên có nhu cầu vay mua xe máy làm phương tiện phục vụ việc đi lại, OceanBank cho vay tới 85% giá trị xe, thời gian cho vay tối đa 36 tháng. Những sinh viên có nhu cầu vay du học để thanh toán chi phí du học nước ngoài hoặc chứng minh tài chính khi đi du học nước ngoài, OceanBank cho vay tới 85% tổng chi phí khoá học hoặc 100% giá trị hình thành sổ tiết kiệm, thời gian cho vay lên tới 60 tháng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng đối với khách hàng cá nhân, các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng cường các chính sách ưu đãi lãi suất cho vay VND đối với hộ kinh doanh và khách hàng doanh nghiệp.

Từ ngày 1/9- 31/12/2012, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) triển khai Chương trình cho vay ưu đãi tài trợ xuất nhập khẩu dành cho khách hàng doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn hệ thống với tổng giá trị lên tới 100 triệu USD. Các DN có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và mua bán ngoại hối tại VPBank sẽ được VPBank tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi giảm từ 2-3%/năm so với mức lãi suất thông thường. Cụ thể lãi suất cho vay USD chỉ ở mức 4-5/năm.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai gói nguồn vốn 500 tỷ đồng cho vay ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp nhập khẩu trên toàn quốc. Lãi suất áp dụng cho các khoản vay này là từ 13%/năm với thời hạn vay tối đa 4 tháng. Từ đầu năm đến nay, Sacombank đã triển khai 15 gói nguồn vốn cho vay ưu đãi trị giá 11.000 tỷ đồng và 180 USD để hỗ trợ các doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Dù nhiều ngân hàng nỗ lực đẩy mạnh cho vay nhưng tín dụng vẫn tăng khá ì ạch. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong khi kinh tế còn khó khăn, tồn kho lớn, khả năng hấp thụ vốn của DN còn hạn chế thì việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vẫn khó khăn. “Lãi suất hạ, dư địa giảm tiếp lãi suất không còn nhưng DN vẫn không tha thiết vay có nhiều nguyên nhân. Từ phía DN, nhiều DN muốn vay nhưng không đủ điều kiện tiếp cận. Và cũng có trường hợp, doanh nghiệp kinh doanh tốt, họ không chấp nhận vay mức lãi suất cao nên họ không vay. Về phía ngân hàng, trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, họ thận trọng, chọn lọc tín dụng là điều dễ hiểu. Chúng ta kêu gọi ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay nhưng thiếu những hỗ trợ để ngân hàng giảm thiểu rủi ro khi tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, như Nhà nước đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn chẳng hạn. Vì thế, ngân hàng dù "sốt ruột" nhưng cũng không dám mạo hiểm cho vay”- T.S Nguyễn Trọng Tài - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ- Học viện Ngân hàng nói.