Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng trước sức ép từ CPTPP: Chuẩn mực hóa hoạt động

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho các ngành kinh tế. Đối với lĩnh vực tài chính, hội nhập kéo theo một lượng lớn các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực mạnh sẽ tham gia vào thị trường tài chính nội địa và sự cạnh tranh gay gắt giữa khối ngân hàng trong nước và khối nước ngoài là điều khó có thể tránh khỏi.

 Khách hàng giao dịch tại VietinBank Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Cạnh tranh dịch vụ, nhân lực

Theo nội dung đã kết thúc đàm phán trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, một nhà cung cấp dịch vụ của một nước CPTPP có thể cung cấp dịch vụ tài chính xuyên biên giới trong nội khối, tức khai thác chung khách hàng. Như vậy, sức ép cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài sẽ ngày càng lớn. Trong khi đó, sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng trong nước còn chưa đa dạng.
“Chưa kể, ngân hàng nước ngoài rất chuyên nghiệp giải quyết các sự cố. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng thị phần của các ngân hàng ngoại và sự sụt giảm thị phần của các ngân hàng nội địa”- chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, việc mở cửa thị trường trong nước đồng nghĩa với việc gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các NHTM Việt Nam do phải đáp ứng các tiêu chuẩn về vốn, quản trị rủi ro, buộc các ngân hàng phải minh bạch hóa ở cấp độ cao hơn. Về nhân lực, không phân biệt quốc tịch khi tuyển dụng nhân sự cấp cao, tức là các tổ chức, DN trong CP TPP không được từ chối nhân sự quốc tịch nước khác trong CPTPP. Do vậy, một trong những thách thức lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam là việc giữ chân nhân tài, tránh sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sang các nước khu vực.

Hệ thống ngân hàng phải chuẩn mực hơn

Theo ông Alan Phạm - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, từ khá lâu, trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đã có sự hiện diện của ngân hàng nước ngoài. Do đó, lĩnh vực ngân hàng có cơ sở tốt để cạnh tranh, nhưng giờ đây, các ngân hàng Việt Nam cần tích cực hơn trong cạnh tranh sắp tới và chuyên nghiệp hóa nhân viên cũng như ban lãnh đạo, điều hành.

Một thách thức đáng lo ngại là sức khỏe các ngân hàng Việt Nam còn khá yếu. Năng lực tài chính (theo mô hình CAMELS) thuộc nhóm yếu nhất khu vực. Giá dịch vụ (phí, lãi suất) ở mức trung bình, sản phẩm, dịch vụ còn đơn giản, năng lực quản trị điều hành và quản lý rủi ro ở mức thấp, năng suất hiệu quả làm việc thấp, trình độ công nghệ đang có xu hướng phát triển nhanh nhưng còn nhiều thủ tục, giấy tờ.

Theo báo cáo về tổng quan thị trường tài chính Việt Nam năm 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cuối năm 2017, tổng tài sản của các định chế tài chính ở Việt Nam ước khoảng 200% GDP, tăng 17,3% so với cuối năm 2016, chỉ lớn hơn Lào, Indonesia và Campuchia. Trong khi đó, quy mô thị trường tài chính Nhật Bản trên 500% GDP, Malaysia 370% GDP, Singapore 350%... Quản lý rủi ro của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam theo lộ trình đến 2018 mới xong giai đoạn thí điểm Basel 2 trong khi đó các nước khu vực đã áp dụng Basel 2 từ lâu và đang áp dụng một phần Basel 3 từ năm 2013.

Các chuyên gia cho rằng, hội nhập quốc tế buộc các ngân hàng trong nước phải chuyên môn hóa nghiệp vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhanh chóng tiếp cận và phát triển các dịch vụ ngân hàng mới nhằm mở rộng thị phần trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Với các cơ quan quản lý của Nhà nước, áp lực hoàn thiện và thay đổi thể chế, tư duy điều hành rất lớn để quản lý được việc cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng xuyên biên giới, xây dựng một mô hình quản trị theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện hội nhập.
Việc xác định và tận dụng tốt cơ hội cũng như ứng phó hiệu quả thách thức mà CPTPP đem lại là điều kiện then chốt để không chỉ các NHTM, mà cả NHNN chủ động ứng phó với nhiều tình huống có thể xảy ra, khi áp lực từ môi trường kinh tế quốc tế bên ngoài ngày một gia tăng. Từ đó, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững của khu vực ngân hàng Việt Nam. 

Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital Alan Phạm