Thanh khoản dư thừa, cầu tín dụng yếu
Tại hội thảo: Khơi thông thị trường vốn, tổ chức mới đây, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để khơi thông dòng vốn. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đến 17/3 mới khoảng 1%.
Phó trưởng Ban Giám sát tổng hợp (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) Dương Hồng Hà cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong quý I/2023 chưa thể đánh giá được mục tiêu năm nay có đạt được hay không. Tuy nhiên, ông khẳng định, tăng trưởng tín dụng năm nay được xác định là chậm và nhiều khó khăn.
Như vậy, tín dụng chưa thể bật tăng, cộng với thanh khoản hệ thống được bổ sung lượng tiền đồng mới, dẫn đến “làn sóng” giảm lãi suất huy động của các ngân hàng càng mạnh mẽ hơn. Sau khi giảm lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên, cũng đã bắt đầu giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng, không còn niêm yết ở sát mức trần như trước.
Lãi suất cho vay theo đó cũng được giảm đáng kể. Các ngân hàng đã tung hàng loạt ưu đãi để “kích cầu”.
Tại Techcombank, từ ngày 22/3, ngân hàng áp dụng các mức lãi suất cho vay mới. Trong đó, lãi suất cơ sở chuẩn cho vay mua bất động sản, vay xây, sửa nhà, vay tiêu dùng thế chấp linh hoạt và vay mua ô tô ở mức 9,4%/năm. Tương tự tại SHB từ ngày 22/3, lãi suất cơ sở cho kỳ hạn vay từ 12 tháng trở xuống là 10,7%-10,9/năm…
Kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý I do NHNN thực hiện, dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 4% trong 3 tháng đầu năm và tăng 13,7% trong năm nay, giảm gần 2% so với kỳ điều tra trước.
Trong tuần qua, có hai gói tín dụng rất lớn do các ngân hàng thương mại cam kết đã được tung ra. Cụ thể, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh thông tin là đã có 20 ngân hàng đăng ký gói tín dụng ưu đãi theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, với quy mô đạt hơn 450.000 tỷ đồng, tăng 4% so với gói tín dụng của năm 2022.
Các tiêu chí của gói tín dụng ưu đãi này là lãi suất cho vay hợp lý; cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay ngoại tệ (theo quy định của NHNN); cho vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ; cho vay kích cầu đầu tư và hỗ trợ lãi suất của UBND TP Hồ Chí Minh; cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ; hỗ trợ dịch vụ, phí và hạn mức tín dụng gắn với cải cách hành chính…
Một gói tín dụng khác quy mô rất lớn từ bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank với tổng quy mô lên tới 370.000 tỷ đồng và 500 triệu USD, với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường…, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tiết giảm chi phí.
Cụ thể như Agribank với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD. Thời gian triển khai từ ngày 15/3/2023 đến hết ngày 30/6/2023; VietinBank triển khai chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất chỉ từ 7,1%/năm và quy mô gói vay lên tới 100.000 tỷ đồng; BIDV triển khai gói 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm; Vietcombank gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với mức lãi suất chỉ từ 7,5%...
Lãi suất còn giảm thêm
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, nâng mức lãi suất lên khoảng 4,75% - 5%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đợt tăng lãi suất thứ 9 này của Fed sẽ không nhiều ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam trong ngắn hạn.
Lạm phát đã hạ nhiệt, CPI giảm từ 4,9% xuống còn 4,3% trong tháng 2. Tháng ước giảm 0,1% - 0,2% so với tháng trước, tăng 3,4 - 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2023, CPI ước tăng khoảng 4,2 - 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ tính trong vòng một tuần qua, lãi suất liên ngân hàng đã giảm hơn 2% và giảm 4,85 điểm % so với mức cao điểm ghi nhận hồi đầu tháng 3.
Hiện có không ít kỳ vọng cho rằng NHNN sẽ tiếp tục có động thái giảm thêm lãi suất điều hành trong thời gian tới.
Trong khi tỷ giá được giữ ổn định nhờ sự giảm mạnh của đồng USD trong những tuần qua, đặc biệt là sau những rối ren trên thị trường tài chính Mỹ khiến kỳ vọng tăng lãi suất của Fed suy yếu. “Nếu những tháng tới, lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới 4,5%, đây sẽ là yếu tố thuận lợi để NHNN có dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ. Xu hướng giảm lãi suất có thể thuận lợi hơn trong thời gian tới”- PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế - vĩ mô, giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp đại học Fulbright cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ năm nay sẽ hoàn toàn ngược so với năm 2022, chuyển từ khống chế lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ông cũng lưu ý thêm, năm nay Chính phủ đặt mục tiêu khống chế lạm phát là 4,5%, cao hơn so với mức 4% các năm trước đây. Động thái này đã thể hiện các nhà điều hành sẵn sàng hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú, tại hội nghị các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, cần hạ lãi suất hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có cả lãi suất cho vay ngoại tệ, lãi suất tiền gửi ngoại tệ, lãi suất vay tiêu dùng để thúc đẩy mạnh việc tiêu thụ.
Đã có không ít ngân hàng giảm liên tiếp hai lần chỉ trong vòng nửa đầu tháng 3, với tổng mức giảm hơn 1 điểm phần trăm. Các ngân hàng cũng cho biết vẫn đang lên kế hoạch để giảm thêm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên sau khi NHNN quyết định hạ trần cho vay ngắn hạn với nhóm này thêm 0,5 điểm % trong tuần trước.