Cuối tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Bộ TT&TT đồng tổ chức Hội thảo trao đổi (trực tuyến), giữa đại diện các ngân hàng Hội viên với đại diện của 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam (gồm: Viettel, VNPT và Mobifone), về việc điều chỉnh tính phí dịch vụ SMS.
Tại hội thảo, đại diện của 3 nhà mạng lớn cho rằng, việc áp dụng mức phí 700-800 đồng/1 tin nhắn cao hơn mức phí đối với cá nhân là do các nhà mạng phải đầu tư trang thiết bị và công nghệ, với kinh phí lớn để tăng độ bảo mật, tốc độ… nên giá thành của tin nhắn phải cao hơn so với cá nhân sử dụng cùng loại dịch vụ.
Riêng về tin nhắn giả mạo, đây không phải do lỗi của các nhà mạng mà do thiết bị (điện thoại) của cá nhân khi kết nối với các thiết bị thu (BTS) của Hacker sẽ bị các Hacker lấy cắp thông tin (do các điện thoại tại Việt Nam hiện vẫn chấp nhận giao thức công nghệ mạng 1G, 2G,… có độ bảo mật thấp nên dễ bị lấy cắp thông tin).
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng nói: "Trên thực tế, các ngân hàng thu phí SMS Banking để trả tiền cho nhà mạng và họ không có lời từ dịch vụ này". Nhiều ngân hàng trước đây bù đắp phần lỗ từ dịch vụ SMS Banking nhờ thu phí giao dịch online của khách hàng. Tuy nhiên, kể từ khi phần lớn miễn phí giao dịch trực tuyến, các nhà băng đặc biệt là những bên có lượng khách hàng lớn - không có nguồn thu bù đắp, ông Hùng chia sẻ.
Các ngân hàng hai năm nay nhiều lần kiến nghị nhà mạng giảm cước tin nhắn dịch vụ tài chính ngân hàng nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Thời gian qua, do phí SMS Banking tăng cao, nhiều ngân hàng đã kêu gọi khách hàng chuyển sang dịch vụ tương đương là OTT (thông báo trên ứng dụng di động), hoàn toàn miễn phí và có nhiều tiện ích.
Ghi nhận những ý kiến từ các ngân hàng, đại diện các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã chia sẻ với những khó khăn của các ngân hàng, vì đây cũng là những khó khăn mà các doanh nghiệp viễn thông gặp phải. Với tinh thần chia sẻ khó khăn và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các doanh nghiệp viễn thông đề xuất: “thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng theo phương án trọn gói, các doanh nghiệp viễn thông cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ”.
Đại diện của nhà mạng Viettel đã đưa ra giải pháp tính phí trọn gói từ 10.000 đồng đến 11.000 đồng cho 1 khách hàng/1tháng sử dụng dịch vụ SMS của ngân hàng và không giới hạn số lượng SMS trong tháng…
Các nhà mạng và ngân hàng đã thống nhất giải pháp “thu phí trọn gói” là khả thi, vừa đảm bảo lợi ích của khách hàng nhưng cũng vừa đảm bảo lợi ích của các ngân hàng và chính nhà mạng. Việc các ngân hàng và nhà mạng đồng thuận được với nhau về mức thu phí hợp lý hơn sẽ là giải pháp tốt cho cả 3 bên. Bởi khi khách hàng huỷ dịch vụ sẽ không chỉ ngân hàng mà nhà mạng cũng sẽ thiệt hại.
Theo VNBA tính toán, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng; ngân hàng quy mô lớn khoảng 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng. Với số lượng 49 ngân hàng tại Việt Nam như hiện nay, ước tính số tiền cước phí các ngân hàng phải trả cho nhà mạng có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng/tháng.
Nói về việc giả mạo tin nhắn thương hiệu ngân hàng (SMS brandname) - tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến, vừa gây rủi ro mất tiền cho khách hàng vừa ảnh hưởng uy tín của ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề này theo lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông - không xuất phát từ hệ thống của nhà mạng mà do các đối tượng tội phạm sử dụng các trạm di động ảo để chèn sóng. Các nhà mạng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ TT&TT truy tìm các đối tượng tội phạm.
Để hạn chế, Bộ TT&TT cũng đề nghị Tổng cục Hải quan và Tổng cục Quản lý thị trường có giải pháp kiểm soát chặt chẽ các thiết bị nhập khẩu vào Việt Nam.