Ngân hàng Việt kiểm soát rủi ro cho vay mua nhà như thế nào?

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rủi ro cho vay mua nhà để ở tại Việt Nam đang được kiểm soát và giảm thiểu, nhờ sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại hàng đầu với chiến lược chỉ tập trung phục vụ nhu cầu “an cư, lạc nghiệp” của người dân.

Cho vay mua nhà phục vụ nhu cầu thực chiếm tỷ trọng lớn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố văn bản của Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời kiến nghị cử tri, về tình hình tổng quan cho vay ở lĩnh vực bất động sản hiện nay.
Theo ông Hưng, trong điều hành tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát để hạn chế rủi ro, đặc biệt là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực của người dân.  
Trong tín dụng bất động sản, cho vay mua nhà để ở, phục vụ nhu cầu thực chiếm tỷ trọng lớn, hạn chế rủi ro thấp nhất cho ngân hàng.
Theo đó, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đã được kiểm soát ở mức hợp lý. Đến cuối 2019 chiếm 32,12% dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, tăng 8,11% so với cuối năm 2018); tín dụng phục vụ tiêu dùng bất động sản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng (chiếm 67,88% dư nợ cho vay bất động sản), tăng 25,69%.
Có thể thấy hai cấu phần đã được tách bạch: Cho vay kinh doanh bất động sản có tỷ trọng thấp, cho vay mua nhà để ở phục vụ nhu cầu người dân chiếm tỷ trọng và tăng trưởng cao hơn. Đó cũng là sự tách bạch của cơ chế, nhận diện và quy định rõ bởi Thông tư 36 từ năm 2014: hai cấu phần trên có mức độ rủi ro tiềm ẩn khác nhau; hệ số rủi ro cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản được áp tới 200%, nhưng với cho vay mua nhà để ở phục vụ nhu cầu người dân chỉ 50%.
Quy định trên từ nhiều năm trước một mặt tách bạch rõ các cấu phần, thay vì xét chung là tín dụng bất động sản như nhiều năm trước. Điều này cũng tạo khung chính sách nắn dòng tín dụng vào cấu phần ít rủi ro hơn. Cơ chế tách bạch và định vị rõ các phân khúc rủi ro. Hoạt động cho vay của các ngân hàng cũng đã dịch chuyển mạnh mẽ, theo hướng an toàn hơn khi bỏ trúng ra nhiều giỏ, cũng như gắn với bản chất của các khoản vay, đặc điểm của người vay.
“Nắn dòng” tín dụng bất động sản, phân tán rủi ro
Nếu trước đây, cho vay bất động sản tập trung vào các chủ đầu tư, rủi ro tập trung, thì cơ chế trên đã nắn dòng, phân tán rủi ro sang cấu phần người tiêu dùng mua nhà để ở. Một khoản vay lớn tập trung cho chủ đầu tư trước đây, nay chia nhỏ thành nhiều món gắn với từng cá nhân tiêu dùng, xác suất rủi ro được chia nhỏ và thấp đi.
Mặt khác, khi các ngân hàng thương mại dịch chuyển vốn sang cấu phần người tiêu dùng mua nhà để ở thông qua “sản phẩm cho vay nhà thứ cấp” và “sản phẩm nhà ở đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở”, khả năng thu hồi vốn cũng đã khác biệt so với cho vay tập trung chủ đầu tư, dự án như trước đây.
Ông Trịnh Bằng - Giám đốc Khối Tài chính kế hoạch Techcombank, phân tích thêm: Nếu chủ đầu tư, dự án thuộc một lĩnh vực là bất động sản, trong bối cảnh môi trường vĩ mô, điều kiện thị trường thay đổi bất lợi, rủi ro tập trung ở lĩnh vực này. Thế nhưng, với ngân hàng, họ cho vay khách hàng cá nhân mua nhà sơ cấp và thứ cấp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, rủi ro ngành và lĩnh vực ở đây cũng được phân tán.
Trong lĩnh vực cho vay mua nhà ở, Techcombank đã dịch chuyển từ việc tập trung cho vay đối với các chủ đầu tư sang cho vay theo chuỗi giá trị để phân tán sự tập trung, bao gồm các nhà thầu xây dựng, các nhà phân phối với những khoản vay ngắn hạn thay vì trước đây cho vay trung dài hạn với chủ đầu tư, và cho vay khách hàng cá nhân mua nhà để ở. “Thực tế triển khai cho vay mua nhà ở, tỷ lệ nợ xấu đối với mảng này của Techcombank rất thấp, dưới 1%” - lãnh đạo Techcombank cho hay.
Về triển vọng tăng trưởng mảng tín dụng này, nhiều nhà đầu tư lo ngại, từ năm 2019, cho vay mua nhà ở hiện đối diện với rủi ro khi thị trường bất động sản gặp vấn đề về tạo cung và phát triển các dự án mới.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Bích Phượng - Giám đốc Khối Dịch vụ bán lẻ và Ngân hàng Tài chính cá nhân Techcombank có góc nhìn lạc quan về vấn đề này. Theo bà Phượng, nhu cầu nhà ở của người dân Việt Nam là rất lớn, xu hướng về đô thị hóa tiếp tục tăng trưởng trong những năm gần đây và nhu cầu an cư lập nghiệp của những người trẻ và hộ gia đình trẻ cũng rất lớn.
Hiện, một gia đình truyền thống ở Việt Nam trung bình chỉ có 3-4 người, so với cách đây 10 năm là 4 người trở lên. Đó là xu hướng các gia đình trẻ hơn, ít thành viên hơn và đồng thời cũng có nhu cầu mua nhà ở nhiều hơn. Theo khảo sát của Techcombank, mỗi năm có khoảng 700.00 - 800.000 cặp vợ chồng mới cưới. Họ chính là nhu cầu mua nhà ở tăng trưởng hàng năm.