Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn hành vi thông đồng, móc nối trong đấu giá

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tư pháp đang đưa ra lấy ý kiến dự thảo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên (ĐGV). Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo quy định ĐGV không được thông đồng, móc nối, nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người tham gia đấu giá.

 Ảnh minh họa
Tại Điều 9, Điều 13, Điều 19 và Điều 21 Luật Đấu giá tài sản quy định ĐGV có nghĩa vụ tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp ĐGV. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với ĐGV trong đó có hành vi vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nội dung kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá để trở thành ĐGV bao gồm: Quy tắc đạo đức nghề nghiệp ĐGV và việc giám sát tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp ĐGV của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với các ĐGV là thành viên.
Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến, việc xây dựng, ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp ĐGV để điều chỉnh về những chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của ĐGV trong hành nghề là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định pháp luật về đấu giá tài sản. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực của đội ngũ đấu giá, chất lượng hoạt động hành nghề đấu giá.

Dự thảo gồm 4 Chương, 13 Điều. Trong đó, quy định ĐGV có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân trong hoạt động hành nghề. Ứng xử văn minh, lịch sự trong hoạt động hành nghề. Không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ. Không được sử dụng thông tin biết được từ việc thực hiện đấu giá tài sản để thu lợi ích cá nhân…

Dự thảo Quy tắc cũng quy định ĐGV không được thông đồng, móc nối, nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người tham gia đấu giá tài sản để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản. Không được có hành vi hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá tài sản. Không được phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính, tuổi tác giữa những người tham gia đấu giá tài sản khi họ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật để tham gia đấu giá tài sản, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa những người tham gia đấu giá tài sản.

Trường hợp ĐGV phát hiện người tham gia đấu giá cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản… thì phải truất quyền tham dự cuộc đấu giá của những người này hoặc dừng cuộc đấu giá, báo cáo tổ chức nơi mình hành nghề để có giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến, Dự thảo Quy tắc quy định các cơ quan, tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tuân thủ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của ĐGV. ĐGV thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo Điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của ĐGV, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.