70 năm giải phóng Thủ đô

Ngăn tai nạn gây thương tích ở trẻ

Minh Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi hàng triệu người dân Việt Nam đang mòn mỏi ngóng tin lực lượng cứu hộ đưa thi thể của bé Thái Lý Hạo Nam (Đồng Tháp) ra khỏi ống trụ bê tông, thì mới đây, một cậu bé 7 tuổi lại gặp nạn khi đưa tay vào máy trộn bê tông.

Việc liên tiếp các trẻ em gặp nạn một lần nữa cho thấy rõ vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.

Trẻ em Việt Nam quá thiếu về kỹ năng sống

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý. 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.

Các học viên thực hành kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ tại trường Mầm non Đại Mỗ B, Nam Từ Liêm. Ảnh: Ngọc Linh
Các học viên thực hành kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ tại trường Mầm non Đại Mỗ B, Nam Từ Liêm. Ảnh: Ngọc Linh

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 15 - 19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến nhóm tuổi 5 - 14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0 - 4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.

Con số 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích là con số đáng báo động. Cũng theo số liệu thống kê, ngoài nguyên nhân đuối nước đứng đầu bảng, còn rất nhiều tai nạn đáng tiếc khác xảy ra liên quan đến các tai nạn về điện hoặc điện giật, xâm hại tình dục, bỏng, ngã, cháy… những tai nạn mà đáng lẽ có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ nếu trang bị cho trẻ đầy đủ những kỹ năng tự bảo vệ thiết yếu.

Về vấn đề này, theo một chuyên gia giáo dục, trẻ em Việt Nam được biết đến là thông minh, học giỏi. Tuy nhiên, xét với một bộ phận không nhỏ trẻ em hiện nay, ngoài điểm số cao, kiến thức về cuộc sống xung quanh của các em hầu như không có. Có những em đến độ tuổi đi học, mà ngay những hoạt động thường nhật như tự mặc quần áo, buộc dây giày, chuẩn bị đồ dùng học tập, nấu đồ ăn sáng… vẫn chưa tự làm được. Bên cạnh đó, nếu xét thêm những kỹ năng liên quan đến sinh tồn, giao tiếp, ứng xử, đạo đức, dường như trẻ em Việt Nam còn phải "chạy dài" theo sau bạn bè cùng trang lứa ở nhiều nước khác.

Cũng theo chuyên gia này, điển hình về “lỗi” ứng xử, đạo đức của trẻ em thời nay là “khôn nhà dại chợ”. Lối nhận định này được dẫn chứng bằng câu chuyện một đứa trẻ thường có xu hướng thường xuyên làm mình làm mẩy với bố mẹ ở nhà, tuy nhiên khi đi ra ngoài, cũng trẻ này bị bắt nạt lại không hề có cách ứng phó hoặc sẽ chọn cách im lìm chịu đựng.

Đồng thời, liên quan đến kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự bảo vệ, trẻ em thời nay thiếu và yếu, ngay cả những kỹ năng cơ bản nhất. Đơn cử, phần lớn các em không biết về những lưu ý khi bơi lội để tránh bị đuối nước hoặc có thể biết nhưng chưa nhận thức rõ ràng hậu quả nên vẫn mang tâm lý chủ quan.

Đâu là giải pháp?

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Giáo dục, tại Việt Nam có tới 83% học sinh thiếu các kỹ năng mềm. Từ thực trạng nêu trên, việc trang bị kỹ năng sống cho giới trẻ ngày càng trở nên bức thiết hơn. Cô Nguyễn Thị Tuyết - giáo viên trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, xu hướng giáo dục hiện nay quá nặng về dạy kiến thức, ít quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Mặc dù chương trình kỹ năng sống đã được đưa vào trường học nhưng với thời lượng chưa nhiều, chưa có hệ thống khiến các em không được thực hành dẫn đến tình trạng nhiều trẻ học giỏi nhưng chỉ biết ăn, ngủ, học và vui chơi còn khả năng tự chủ, kỹ năng giao tiếp rất kém.

"Kỹ năng sống sẽ được hình thành một cách tự nhiên và hiệu quả trong chính những môi trường hoạt động cụ thể. Do đó, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, gia đình cũng nên lên kế hoạch định hướng thời gian học tập giữa kỹ năng sống và năng khiếu cho các em" - cô Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.

Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến giải pháp cũng như có sự đầu tư cho con đi học những lớp dạy về kỹ năng sống. Việc đó thể hiện qua việc các phụ huynh gửi con đi học ở các trung tâm kỹ năng sống, đăng ký cho con các khóa học kỹ năng sống online, tổ chức cho con hững chuyến đi trải nghiệm người thật, việc thật và làm dày vốn sống… Đó đều là những lựa chọn thông minh và mang lại hiệu quả tích cực trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.

Tuy nhiên, để những giải pháp nêu trên thực sự phát huy tác dụng, không thể không có sự quan tâm, sát sao và dạy dỗ từ phía các bậc phụ huynh. Dù đã được học kiến thức ở trường, lớp hay trên mạng internet, trẻ vẫn cần sự kiểm soát, định hướng của bố mẹ để có thể tiếp cận với những kiến thức thực sự có ích và phù hợp. Bên cạnh đó, học ngoại khóa thường chỉ là các khóa học ngắn hạn và không thường xuyên, trong khi trẻ cần được dạy dỗ hàng ngày.

 

Ở trong trường học tỷ lệ tai nạn thương tích giảm đi rất nhiều. Vì các trường đang thực hiện chương trình “trường học an toàn”. Tôi thấy rằng mô hình “Trường học an toàn, trường mẫu giáo an toàn” đang được thực hiện rất tốt theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, thực tế tại cộng đồng, trẻ bị tai nạn thương tích vẫn còn, trong đó tỷ lệ trẻ ngã ao, chết đuối, ngã do trèo leo, chạy nhảy vẫn cao. Điều đáng nói, mặc dù hiểu được việc nguy hiểm đối với trẻ khi té ngã nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn thực hành an toàn cho trẻ sai.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Trọng An