Ngang nhiên xả chất thải ra sông Đáy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Thanh...

Kinhtedothi - Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai về việc cơ sở giặt bao bì xi măng gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù người dân đã kiến nghị đến chính quyền các cấp trong huyện, tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn không được xử lý dứt điểm.

Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng

Có mặt tại cơ sở giặt bao bì của ông Lê Văn Trung nằm ở vùng bãi ven sông Đáy thuộc xóm Thanh Giang Ngoài, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đi sâu vào bên trong mới thấy không khí làm việc ở đây thật sôi động. Dọc con đường vào cơ sở sản xuất chỉ hơn 100m có hàng chục lao động đang miệt mài tháo dỡ, phân loại vỏ bao bì xi măng để giặt. Hàng chục đống bao bì được xếp dưới các bụi cây ven đường đang chờ đến lượt phân loại. Một số công nhân miệt mài bóc vỏ bao bì, bụi xi măng bay mịt mù. Xung quanh hai máy giặt vỏ bao bì cùng nước thải xi măng chảy theo đường dẫn xuống lòng sông Đáy. Đây chính là nước thải và chất thải rắn xả ra trong quá trình giặt vỏ bao bì xi măng từ các máy giặt trong cơ sở xả thẳng ra sông Đáy nhiều năm qua.
Cơ sở sản xuất giặt bao bì ven sông Đáy tại xã Thanh Cao gây ô nhiễm.
Cơ sở sản xuất giặt bao bì ven sông Đáy tại xã Thanh Cao gây ô nhiễm.
Qua tìm hiểu được biết, cơ sở này được UBND huyện Thanh Oai cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể năm 2009 cho ông Trương Như Hải ở thôn Mật Thượng, xã Thanh Cao, nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường. Ban đầu, cơ sở sản xuất thường xuyên giặt vỏ bao bì trong khu dân cư gần trường Mầm non và trường Tiểu học Thanh Cao gây ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của các em học sinh và người dân. Do vậy, UBND xã yêu cầu cơ sở này phải di dời ra ven sông Đáy để đảm bảo môi trường. Trong quá trình sản xuất, cơ sở này tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, bụi xi măng và nước thải giặt bao bì được tống thẳng ra sông Đáy. Vì vậy, năm 2013 và đầu 2014, cơ sở sản xuất này đã liên tục bị UBND xã, UBND huyện, Sở TN&MT kiểm tra, xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động. Đến giữa năm 2014, ông Hải chuyển nhượng cơ sở sản xuất này cho ông Trung và hoạt động sản xuất từ đó đến nay.

 Xử lý vi phạm trên giấy

Để làm rõ nguyên nhân vì sao cơ sở sản xuất giặt bao bì nhiều năm qua gây ô nhiễm môi trường mà vẫn được tồn tại, phóng viên đã liên hệ đến UBND xã và UBND huyện để tìm hiểu thực hư vấn đề. Qua đó được biết, thẩm quyền xử lý hoạt động của cơ sở này thuộc về UBND xã. Tuy nhiên, UBND xã đã không làm hết trách nhiệm của mình.

Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Thanh Cao Trần Văn Lợi cho rằng, tháng 8 vừa qua, UBND xã và các phòng chuyên môn của huyện kiểm tra lập biên bản, xử phạt hành chính và yêu cầu chủ cơ sở dừng hoạt động. Nhưng tại buổi làm việc, chủ cơ sở xin tự thu dọn, giặt nốt số vỏ bao bì đang tồn đọng và đang thực hiện như đúng cam kết. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao từ năm 2013 đến nay, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm, nhưng lý do gì cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động mà UBND xã lại báo cáo gian dối với UBND huyện là cơ sở này đã ngừng hoạt động?. Ông Lợi không trả lời câu hỏi mà chỉ đưa ra khẳng định: “Nhằm tránh phức tạp và đỡ mất thời gian, lần này, UBND xã sẽ quyết tâm không để cơ sở này hoạt động trái phép nữa. Trường hợp vận động, tuyên truyền nhưng chủ cơ sở không tự thu dọn máy móc, tài sản, UBND xã sẽ hoàn thiện hồ sơ tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định”.

Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Thanh Oai Nguyễn Ngọc Tú thừa nhận, cơ sở sản xuất giặt bao bì tại xã Thanh Cao ngang nhiên hoạt động, xả nước thải, bụi, chất rắn ra sông Đáy gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân từ nhiều năm qua là đúng. Do vậy, ngày 2/4/2014, UBND huyện đã có Văn bản số 236/UBND-TNMT giao trách nhiệm cho UBND xã xử lý cơ sở này. Sau đó, UBND xã Thanh Cao báo cáo đã xử lý xong vi phạm, chủ cơ sở đã chấp hành thu dọn máy móc, dừng hoạt động sản xuất. Nhưng giữa năm 2015, UBND huyện nhận được phản ánh cơ sở này vẫn hoạt động nên ngày 11/8/2015, tổ công tác liên ngành cùng UBND xã tiến hành kiểm tra lập biên bản và xử phạt hành chính theo quy định. “Mặc dù từ năm 2013 đến nay, UBND huyện đã nhiều lần yêu cầu UBND xã xử lý dứt điểm vi phạm. Tuy nhiên, do UBND xã thiếu quyết liệt nên mới xảy ra tình trạng tái vi phạm của cơ sở sản xuất này. Về vấn đề này tôi sẽ báo cáo lãnh đạo huyện để chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm” - ông Tú cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần