


Nằm giữa sông Hồng, tách biệt với diện tích đất liền nên việc di chuyển đến bãi giữa dưới chân cầu Nhật Tân không dễ. Muốn tiếp cận khu vực này, chúng tôi phải di chuyển bằng thuyền của một số hộ dân sinh sống ven sông.
Đặt chân lên bãi giữa, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với những gì hiện ra trước mắt. Bãi nổi trù phú rộng hàng trăm héc-ta dưới chân cầu Nhật Tân bị “biến dạng” bởi các hoạt động xâm hại trái phép đang diễn ra ồ ạt.
Từ tim cầu Nhật Tân, đi ngược lên thượng lưu sông Hồng khoảng 100 - 400m, phía phải bãi giữa theo hướng dòng chảy, chúng tôi ghi nhận có 4 nhà gỗ ép cũ bọc tôn, diện tích khoảng 30 - 40m2 mỗi căn. Toàn bộ cây cỏ dại xung quanh đã được dọn dẹp sạch. Thay vào đó, các đối tượng tiến hành trồng khoảng 30 gốc cọ nhỏ.
Cách đó không xa, ở phía trái bãi giữa sông Hồng theo hướng dòng chảy, có 2 ao trữ nước dung tích lớn. Một diện tích rất lớn mặt bãi giữa bị san gạt, trồng cây và tạo lối đi. Các đối tượng còn tôn cao nền bãi giữa bằng cát; tiến hành ép 22 cọc bê tông cốt thép kích thước lớn, dựng 5 nhà tôn có diện tích khoảng 20 - 50m2 mỗi căn.

Đáng chú ý, có 2 máy gầu cỡ trung bình được tập kết tại khu vực bờ trái bãi giữa. Theo dõi nhiều ngày sau đó, chúng tôi ghi nhận các máy gầu này được một số đối tượng sử dụng để đào đắp các ao lớn.
Men theo con đường mòn, xuyên qua những cây cỏ dại về phía trung tâm bãi giữa sông Hồng, vị trí cách tim cầu Nhật Tân khoảng 300m về phía thượng lưu, chúng tôi tiếp tục ghi nhận có 2 lán quây bạt và một số vật kiến trúc bằng thép (khung xương giàn cây).
Cũng tại vị trí trung tâm bãi giữa cách cầu Nhật Tân khoảng 500 - 800m về phía thượng lưu, 5 nhà tôn nuôi nhốt động vật, cùng một số vật kiến trúc như cầu sắt, hàng rào… được các đối tượng xây lắp.
Xuôi về khu vực gần cuối bãi giữa (phía phải bãi giữa theo hướng dòng chảy sông Hồng), chúng tôi cũng nhận thấy sự tồn tại của 5 nhà tôn với diện tích khoảng 15 - 30m2 mỗi nhà, và 2 nhà gỗ ván ép diện tích khoảng 20 - 30m2 mỗi căn. Cùng với đó, 1 lán treo chuông cũng được dựng tại khu vực này.
Với mức độ và quy mô diện tích các hạng mục công trình thực tế ghi nhận tại bãi giữa sông Hồng, có thể khẳng định các hành vi san gạt, xây lắp lều lán, dựng nhà ở tạm, đào ao trữ nước, trồng cây thân gỗ, ép cọc bê tông… đã diễn ra trong thời gian dài.

Vị trí chúng tôi phát hiện các hành vi vi phạm nêu trên thuộc khu vực bãi giữa dưới chân cầu Nhật Tân, là địa phận giáp ranh giữa phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) và xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh), tương ứng với đê hữu Hồng từ K58+000 đến K59+000.
Quá trình tiếp cận, phóng viên được cung cấp thông tin rằng, chủ của các vi phạm nêu trên hầu hết đều không phải là người trên địa bàn các quận Tây Hồ hay huyện Đông Anh. Tại khu vực bãi giữa, hàng ngày chỉ có người làm công được thuê để thi công các hạng mục trái phép.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của chúng tôi, Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) đã giao Hạt Quản lý đê số 4, Hạt Quản lý đê số 10, phối hợp với chính quyền phường Phú Thượng và xã Vĩnh Ngọc tiến hành kiểm tra hiện trạng bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Nhật Tân.
Cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương xác nhận có vi phạm theo phản ánh của phóng viên. Tuy nhiên, các đơn vị có liên quan đều cho biết, hiện nay vẫn chưa thể xác minh được tổ chức, cá nhân nào đang có hoạt động xây dựng công trình, lều lán tạm, khai thác, sử dụng diện tích bãi giữa sông Hồng trái phép (?!)

Liên quan đến câu hỏi “vì sao các vi phạm tồn tại đã lâu nhưng chính quyền không thể phát hiện sớm”, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) Trần Trịnh Hoàng Long cho biết, bãi giữa nằm tách biệt với khu vực đất liền. Việc di chuyển ra khu vực bãi giữa không dễ dàng nên việc phát hiện các vi phạm gặp khó khăn.
Vị này cũng chia sẻ thêm khó khăn hiện nay trong công tác quản lý đất tại khu vực bãi giữa là không có mốc địa giới hành chính giữa địa phận phường Phú Thượng và một số xã của huyện Đông Anh (trong đó có xã Vĩnh Ngọc).
Mốc giới này thực tế đã từng có, tuy nhiên hiện nay đã bị mất mà chưa xác định được nguyên nhân. Thậm chí, không thể loại trừ khả năng bị các đối tượng cố tình phá bỏ để gây khó khăn cho cơ quan chức năng, tạo thuận tiện cho việc thực hiện các hành vi vi phạm.

Cùng “than khó” với đại diện lãnh đạo phường Phú Thượng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) Hoàng Văn Thuỳ cho biết, do khu vực nằm ở bãi giữa nên việc đi lại, tiếp cận hiện trường rất khó khăn. “Hôm trước nhận được phản ánh, chúng tôi phải phối hợp thuê thuyền mới đi ra được bãi nổi để kiểm tra…” - ông Thuỳ nói thêm.
Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tây Hồ Lê Quang Hoà cho rằng: vi phạm được xác định nhưng việc xử lý hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do vi phạm nằm ở bãi giữa nên việc đưa trang thiết bị, máy móc qua sông để xử lý là… không dễ (?!)
Đáng chú ý, sau kiểm tra, đánh giá vi phạm ngoài thực địa, chính quyền các địa phương lại không phối hợp chặt chẽ cùng các Hạt Quản lý đê số 4 và Hạt Quản lý đê số 10 (Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) để thiết lập hồ sơ, làm cơ sở xử phạt hành chính và giải toả dứt điểm vi phạm. Điều này đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm thực thi công vụ của các đơn vị có liên quan.
Thực tế, vi phạm tại bãi giữa đã diễn ra trong thời gian dài, tuy nhiên, công tác xử lý đến nay vẫn rất chậm chạp. Một số đơn vị liên quan như các Hạt quản lý đê, chính quyền quận Tây Hồ và huyện Đông Anh đã có văn bản chỉ đạo nhưng vi phạm thì vẫn… tiếp diễn.
Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 4 Vũ Văn Ảnh cho biết, đơn vị thường xuyên cử cán bộ nắm chắc địa bàn. Sau khi phát hiện vi phạm tại khu vực bãi giữa sông Hồng, Hạt đã có văn bản gửi UBND phường Phú Thượng để xử lý, bởi đơn vị không có thẩm quyền để xử lý.
“Hiện nay, Hạt Quản lý đê số 4 đang tiếp tục đề nghị UBND phường Phú Thượng chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xác minh đối tượng vi phạm, đồng thời có biện pháp ngăn chặn, không để các hành vi phát triển gây khó khăn cho công tác xử lý…” - ông Vũ Văn Ảnh nói thêm.
Trái với tinh thần cầu thị của Hạt Quản lý đê số 4, đại diện Hạt Quản lý đê số 10 lại tỏ thái độ thiếu hợp tác khi phóng viên liên hệ tiếp cận thông tin về trách nhiệm thuộc thẩm quyền của Hạt. Đại diện Hạt này né tránh, đùn đẩy việc cung cấp thông tin cho phía chính quyền địa phương.
Về phía quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thanh Tịnh cũng đã có văn bản giao Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND phường Phú Thượng, Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan tham mưu UBND quận xác định mốc, địa giới hành chính tại khu vực bãi giữa giáp ranh với huyện Đông Anh để có cơ sở thực hiện các nội dung quản lý đất đai.
Quận Tây Hồ cũng đề nghị UBND phường Phú Thượng thường xuyên kiểm tra địa bàn, phối hợp với xã Vĩnh Ngọc để tổ chức ngăn chặn các vi phạm phát sinh, từng bước xử lý các vi phạm còn tồn tại, không để tồn đọng kéo dài… Đồng thời, giao công an tăng cường theo dõi địa bàn để xử lý các đối tượng vi phạm.
Các văn bản chỉ đạo đều thể hiện tinh thần quyết liệt, ấy thế nhưng tính thực thi thì vẫn chỉ nằm… trên giấy! Qua theo dõi, ngay cả khi có văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, những ngày qua, tình trạng vi phạm vẫn không dừng lại mà thậm chí còn diễn ra khẩn trương hơn.


Thực tế, trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn đê điều, không gian thoát lũ được Chính phủ, Thành uỷ - UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Cách đây không lâu, Thành uỷ Hà Nội đã có Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội; UBND TP Hà Nội cũng ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thuỷ lợi trên địa bàn TP Hà Nội.
Mới đây, một loạt văn bản chỉ đạo khác tiếp tục được UBND TP Hà Nội ban hành; đơn cử như Văn bản số 1685/VP-KTN ngày 15/2/2025 về việc giải toả, thanh thải vật cản, xử lý vi phạm lấn chiếm bãi sông, lòng sông, phạm vi bảo vệ đê điều để đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ; hay Văn bản số 2420/VP-KTN ngày 4/3/2025 về việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều.
Liên quan đến công tác xử lý các hành vi vi phạm, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 37/2023/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về thuỷ lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn TP Hà Nội.
Bên cạnh Luật Đê điều, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thuỷ lợi và đê điều. Trong đó, có đề cập cụ thể, chi tiết hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, cũng như thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt.
Có thể nói, cơ sở pháp lý để quản lý và xử lý vi phạm đê điều hiện nay là khá hoàn thiện và đầy đủ. Việc để xảy ra vi phạm làm “biến dạng” bãi giữa sông Hồng có trách nhiệm chủ yếu thuộc về chính quyền quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, trực tiếp là UBND phường Phú Thượng và xã Vĩnh Ngọc.
Có hay không việc quản lý địa bàn yếu kém, thoái thác và đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí là bao che cho những vi phạm nghiêm trọng tại khu vực bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Nhật Tân đang là câu hỏi lớn đặt ra đối với các cơ quan chức năng có liên quan.
Trước tình trạng vi phạm nghiêm trọng tại khu vực bãi giữa sông Hồng, đề nghị chính quyền các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt vào cuộc, sớm giải toả triệt để các hành vi vi phạm làm “biến dạng” bãi giữa sông Hồng; đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng trên tinh thần thượng tôn pháp luật; tuyệt đối không bao che để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

