Ngành bán lẻ sáng cửa tăng trưởng cuối năm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi, nhiều DN ngành bán lẻ ghi nhận có tốc độ tăng trưởng cao và kỳ vọng bứt phá khi mùa mua sắm cuối năm đến gần.

Người tiêu dùng mua hàng tại BRG Hapro Thành Công. Ảnh Thanh Hải
Người tiêu dùng mua hàng tại BRG Hapro Thành Công. Ảnh Thanh Hải

Sức mua tăng trở lại

Nếu như thời điểm này năm trước, cả nước vừa bước qua giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sức mua của thị trường ở “mức đáy” thì 10 tháng năm 2022, thị trường bán lẻ đã bật tăng mạnh mẽ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá về sự phục hồi, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những chính sách mở cửa, các gói kích cầu cũng như trợ lực cho DN, người tiêu dùng như giảm thuế VAT đã giúp cho DN và nền kinh tế lấy lại cân bằng nhanh chóng.

Tập đoàn Masan vừa công bố, trong 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù khó khăn bủa vây, nhưng doanh thu thuần của Masan vẫn đạt 55.546 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Dựa trên kết quả hoạt động trong 9 tháng qua và đà tăng hiện tại, năm 2022 Masan dự kiến đạt doanh thu 75.000 - 80.000 tỷ đồng.

Công ty CP Vincom Retail (VRE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III, cụ thể tính riêng quý gần nhất, tổng doanh thu thuần hợp nhất của chủ chuỗi trung tâm thương mại đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc, lũy kế 9 tháng, lãi ròng của Vincom Retail đạt 1.944 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ 2021. Lý giải về kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, lãnh đạo Vincom Retail cho biết, trong năm 2022, các thương hiệu lớn đã đồng loạt khai trương tại các trung tâm thương mại Vincom.

Đầu tháng 10 vừa qua, Trung Nguyên Legend đã khai trương đồng loạt 10 cửa hàng trong hệ thống Vincom trên toàn quốc. Dự kiến trong quý IV nhãn hàng Uniqlo cũng sẽ khai trương 3 cửa hàng tại Vincom Center Bà Triệu, Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Center Trần Duy Hưng.

Phân tích nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ tăng mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nêu rõ, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động đến tốc độ tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa. Từ những triển vọng trên, có thể dự báo cả năm nay mức tăng trưởng của bán lẻ dịch vụ sẽ dao động trong khoảng 14 - 17%. Trong đó, sức mua của người tiêu dùng 3 tháng còn lại của năm nay sẽ tăng cao hơn quý II, quý III/2022.

Cuối năm, dịp tốt để kích cầu tiêu dùng

Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết DN bán lẻ đều xem cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là giai đoạn có thể đóng góp 30 - 40% doanh số cả năm.

Đại diện Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thông tin, kết quả khảo sát DN bán lẻ do đơn vị vừa thực hiện cho thấy 53,8% đơn vị đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch Covid-19. Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số DN cho rằng, triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.

Công ty Nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield (C&W) cũng nhận định, những tháng cuối năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện lễ hội mua sắm, khuyến mãi hấp dẫn như Black Friday, Lễ độc thân 11/11, Giáng Sinh, Tết… sẽ tạo ra “làn sóng mua sắm” với số lượng đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm như bánh kẹo và nước uống, mỹ phẩm, điện tử, công nghệ, hàng tiêu dùng…

Giám đốc Đối ngoại hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam (MM) Trần Kim Nga cho biết, Việt Nam vẫn là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Sau 2 năm đại dịch, xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi khá rõ nét. Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi nơi có sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả hàng hóa phù hợp, cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn ngày càng được ưa chuộng và trở thành điểm đến mua sắm yêu thích của người tiêu dùng. “Đây là một thị trường triển vọng và đầy tính cạnh tranh, là cuộc đua của những ông lớn trong những năm tới” - bà Nga nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy vào thời điểm gần cuối năm, nhiều DN đang tăng tốc làm mới mình nhằm “đón sóng” cuối năm. Để tái định vị thương hiệu và mở rộng đa dạng sản phẩm, vừa qua siêu thị hàng Nhật nội địa là Sakuko Japanese Store đã thay đổi nhận diện thương hiệu từ nhà bán lẻ chuyên kinh doanh sản phẩm mẹ và bé của Nhật Bản chuyển thành chuỗi siêu thị lĩnh vực bán lẻ hàng Nhật nội địa.

Trong tháng 9 vừa qua, Masan chính thức đưa vào hoạt động chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích WinMart tại ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dự kiến từ nay đến cuối năm, Masan tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng WinMart trên cả nước.

Nhìn nhận về cơ hội cho ngành bán lẻ tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, ở chiều tích cực, tăng trưởng doanh thu bán lẻ vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm 2022; tỷ lệ thất nghiệp đang trên đà giảm.

Cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú, giải ngân đầu tư công được tăng tốc và các gói kích thích kinh tế cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát của các nhà điều hành đang phát huy tác dụng.

“Nhìn chung, tuy lạm phát sẽ gây một áp lực nhất định lên tiêu thụ nội địa, tăng trưởng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm vẫn có nhiều yếu tố tích cực để phát triển” - ông Phong nhấn mạnh.

Ông Phùng Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc nêu rõ, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhóm DN ngành bán lẻ sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn giai đoạn vừa qua, vì nhu cầu chi tiêu từ nay đến cuối năm của người dân nhiều khả năng tăng dần. Trong đó, nhóm phục vụ hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao, vì gắn với việc đẩy mạnh doanh số bán hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho thấy, cuối năm 2022 thị trường bán lẻ sẽ tăng tốc, tạo cơ hội cho DN bán lẻ tăng trưởng, kéo theo các đơn vị sản xuất phục hồi phát triển.

 

Sức mua trong quý IV/2022 sẽ tăng nhanh khi đây là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện lớn như: World Cup, tháng khuyến mại Hà Nội, tháng khuyến mại tập trung quốc gia, Tết Dương lịch, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cũng như các ngày hội mua sắm…

Đặc biệt sau một thời gian dài bị kìm hãm bởi dịch Covid-19, dịp cuối năm người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu mạnh tay, sẽ tạo nên làn sóng mua sắm bùng nổ. Tâm lý tích cực của người tiêu dùng cũng tạo điều kiện cho các ngành dịch vụ - bán lẻ dễ dàng phục hồi và phát triển trong cả trung và dài hạn.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần