Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành bán lẻ Việt Nam phát triển

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do đại dịch Covid-19, người mua hàng Việt Nam và thế giới đều tìm kiếm trực tuyến để mua hàng. Điều này mở ra một xu hướng mới cho ngành bán lẻ Việt Nam và các nhà bán lẻ trực tuyến phải nhanh chóng chuẩn bị cho Ngày Độc thân 11/11/2021, khi các gia đình Việt sẽ móc hầu bao chi tiêu bù những ngày giãn cách xã hội.

Xu thế mới
Trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân bị hạn chế đi lại, tụ tập để phòng chống dịch bệnh, người tiêu dùng đã chuyển đổi kênh tiêu dùng trực tuyến. Với các nhu yếu phẩm, nếu trước khi có đại dịch, người dân sẽ lựa chọn đi chợ theo các thứ tự ưu tiên lần lượt là chợ truyền thống, trung tâm thương mại và siêu thị rồi mới tới các cửa hàng tiện lợi; thì nay họ sẽ chọn trước tiên là các cửa hàng online, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và siêu thị.

Theo kết quả khảo sát của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đối với nhóm mặt hàng không thiết yếu lại được ghi nhận sự tăng trưởng đột biến qua các kênh bán hàng online. Người dân thông qua một số nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Zalo, Facebook, Chotot... hay thậm chí là đặt hàng trên điện thoại, app, hotline.

Làn sóng dịch thứ 4 đã khiến 46% số DN ngành bán lẻ Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng; 50% bị nghiêm trọng vừa phải và hơn 4% ít bị tác động. Không chỉ đầu ra gặp khó khăn mà do ngành vận tải bị đình trệ đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng khi đa số nguồn hàng, nguồn nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất đều có xuất xứ từ Trung Quốc... khiến cho không ít DN ngành bán lẻ rơi vào tình trạng không có đủ nguồn hàng cung ứng ra thị trường.
 Khách hàng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Vinmart trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 60% số DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ là những DN có quy mô vừa và nhỏ; vòng quay của đồng tiền hạn chế. Khi năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh kém, có nhu cầu vốn lớn thì sức mua giảm, hàng hóa bán lẻ khan hiếm càng đẩy giá lên cao, lại khiến việc kinh doanh đã khó nay càng khó khăn hơn.

Đây chính là thời điểm để các nhà bán lẻ tại Việt Nam đang tập trung khai thác sâu các kênh trực tuyến, các tiện ích (app) bán hàng đồng thời tận dụng các kênh giao hàng và thúc đẩy việc tích hợp nhiều loại hình bán hàng khác nhau theo xu hướng tiêu dùng mới.

Một số giải pháp

1. Tìm kiếm trực tuyến để mua hàng: Một trong những thay đổi cơ bản nhất trong hành vi của người tiêu dùng là sử dụng công nghệ không chạm và thanh toán online. Hơn 60% số người Việt được hỏi đã cho biết vì dịch Covid-19 nên giảm dần việc lựa chọn sử dụng tiền mặt trong thanh toán; đồng thời tăng các hình thức thanh toán qua Internet Banking hay sử dụng ví điện tử.

Đối với thế thì doanh số bán lẻ thương mại điện tử ở Mỹ dự đoán trên 700 triệu đô la vào năm 2023, đây là mức tăng 60% chỉ kể từ năm 2017 cho thấy xu thế mua sắm trực tuyến đang phổ biến trên toàn cầu. Người tiêu dùng đang mua mọi thứ từ hàng xa xỉ, thiết bị cao cấp đến lương thực, thực phẩm hàng ngày đều trực tuyến. Người ta ước tính rằng 20% doanh số bán hàng tạp hóa toàn cầu sẽ là trực tuyến vào năm 2025.

Người mua sắm không chỉ mua hàng trực tuyến mà còn sử dụng smartphone để tham khảo, nghiên cứu các sản phẩm mà mình muốn mua. Trong báo cáo có tiêu đề Robo Economy (Nghiên cứu Mua hàng trực tuyến) còn đưa ra con số 82% người tiêu dùng đã thực hiện công việc này. Điều này sẽ khiến cho các nhà bán lẻ Việt Nam biết phải làm gì để thuyết phục người tiêu dùng đặt mua sản phẩm của mình. Đừng có dại mà đẩy giá bán sản phẩm lên cao vì có nhiều phần mềm để người tiêu dùng so sánh giá.

2. Đa dạng kênh bán hàng: Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện 2 loại hình bán hàng trực tuyến có tên BOPIS (mua trực tuyến, nhận tại cửa hàng) và BORIS (mua trực tuyến, nhận tại cửa hàng). Hình thức này giúp người mua không phải đến các siêu thị lớn, không tốn phí vận chuyển. Người bán và người mua sẽ thông báo thời gian, địa điểm giao nhận hàng và không cần rời khỏi xe hơi, bạn cũng có thể có được món hàng yêu thích.

Điều này khiến cho khách hàng sẽ tiếp tục chọn BOPIS ngay cả khi Covid-19 được khống chế. Khi không ưng ý món hàng, bạn cũng có thể trả lại người bán mà chẳng mấy tốn kém thời gian. Khi đã phát triển các siêu thị mini thì loại hình bán hành BOPIS càng phát triển và các nhà bán lẻ không thể bỏ qua cơ hội này.

3. Sớm nhận diện thương hiệu: Lâu nay, các trang web, app bán hàng của các siêu thị đơn thuần chỉ mới dừng lại ở tên sản phẩm, giá trị và vài tính năng cơ bản của sản phẩm. Thời gian rảnh rỗi trong vùng đỏ, vùng da cam đã khiến người tiêu dùng dần thay đổi thói quen quyết định mua sắm của mình. Trong một khảo sát toàn cầu gần đây cho thấy 59% số người mua sắm bị thu hút vào trang web của thương hiệu, biết được sản phẩm mới từ web nhà sản xuất chứ không phải chỉ từ người bán lẻ. Ngoài ra, 37% số người tiêu dùng mong đợi một trải nghiệm tổng thể hấp dẫn hơn so với khi họ mua sắm thông qua các nhà bán lẻ, nhất là các sản phẩm như xe hơi, thiết bị điện tử cao cấp.

Với trung bình 24 giờ/tuần người dân Việt đối diện với 3 màn hình smarphone, máy tính và tivi thì xu thế mua sắm trực tuyến còn tăng. Đây là cơ hội để các nhà bán lẻ Việt Nam thích nghi, trước mắt là Ngày Độc thân 11/11 dự báo sẽ nghẽn mạng vì mua sắm online.q

Trong các lĩnh vực kinh tế cần được khôi phục ngay khi trở về cuộc sống bình thường thì bán lẻ Việt Nam là ngành có điều kiện nhất. Dù số đông người dân phải cắt giảm chi tiêu do phải nghỉ việc vì dịch bệnh nhưng ngược lại có nhiều nhu cầu sinh hoạt bị “kìm nén” nay mới được thực hiện.