Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh còn nhiều thách thức

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm (LTTP) TP Hồ Chí Minh (FFA) tại buổi họp báo nhằm thông báo về việc tổ chức triển lãm quốc tế ngành LTTP của TP (HCMC FOODEX 2022).

Triển lãm từ ngày 19 đến 22/10

Ngày 22/9, Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo để thông báo sự kiện triển lãm HCMC FOODEX 2022 với chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển”.

Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, ngành chế biến LTTP là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến LTTP giai đoạn 2015 - 2019 tăng trưởng bình quân 7,04%/năm. Nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.

Ông Lê Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP LAVIFOOD cho biết, Việt Nam có 165 nhà máy chế biến LTTP, nhưng đa phần chỉ chế biến và xuất khẩu dạng thô.
Ông Lê Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP LAVIFOOD cho biết, Việt Nam có 165 nhà máy chế biến LTTP, nhưng đa phần chỉ chế biến và xuất khẩu dạng thô.

Tuy nhiên, dưới tác động của dịch Covid-19, ngành chế biến LTTP của TP gặp nhiều khó khăn, thách thức từ sự đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, hệ thống phân phối bị gián đoạn cho đến logistics, hậu cần và nhân lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, để ngành chế biến LTTP của TP tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến LTTP của TP giai đoạn 2020 - 2030.

UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp ngành LTTP vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và quay trở lại tăng trưởng khả quan, đạt 7% trong 6 tháng đầu năm 2022.

“Với mong muốn tổ chức triển lãm để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất LTTP giới thiệu sản phẩm mang thương hiệu Việt và có chất lượng tốt ra thị trường thế giới; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương; tiếp cận thông tin và xây dựng chiến lược đổi mới máy móc, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ITPC chủ trì, phối hợp với FFA, Công ty CP Quảng Cáo và Hội chợ triển lãm CIS Việt Nam tổ chức chương trình HCMC FOODEX 2022, sẽ mở cửa cho khách đến tham quan từ 10 giờ đến 17 giờ ngày 19/10, và tiếp tục đón khách tham quan từ 9 giờ đến 17 giờ trong 3 ngày (từ ngày 20 đến hết ngày 22/10), tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - SECC” - ông Trần Phú Lữ cho biết thêm.

Cần hỗ trợ gian hàng cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp

Cũng theo ông Trần Phú Lữ, chủ đề của triển lãm là “Kết nối giá trị cùng phát triển”, dự kiến sẽ thu hút hơn 300 doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước tham gia với hơn 300 gian hàng. Các doanh nghiệp sẽ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm LTTP dạng thô/sơ chế (nông sản, thủy hải sản, gia vị…); nhóm sản phẩm LTTP được chế biến sâu; nhóm sản phẩm đồ uống; nhóm nguyên phụ liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm; nhóm máy móc thiết bị sản xuất, đóng gói, bảo quản và các nhóm ngành liên quan. HCMC FOODEX 2022 kỳ vọng sẽ thu hút 18.000 lượt khách đến làm việc và tham quan.

Tại buổi họp, ông Lê Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP LAVIFOOD cho biết, Việt Nam có 165 nhà máy chế biến LTTP, nhưng đa phần chỉ chế biến và xuất khẩu dạng thô.

“Chúng ta tự hào về xuất khẩu, nhưng từ cánh đồng đến bàn ăn của mỗi gia đình bị hao hụt sản phẩm khoảng 30%, chi phí logistics mất khoảng 20%. Chúng ta phải giải quyết từ vun trồng, khâu logistics cho đến bàn ăn, thì giá trị hàng hóa mới tăng lên. Doanh nghiệp lớn trong ngành rau củ quả, thực phẩm thường hướng đến xuất khẩu, trong khi thị trường Việt Nam có tới 90 triệu dân, đây là con số rất lớn.

Do đó, tôi nghĩ phục vụ trong nước trước rồi xuất khẩu sẽ có lợi rất nhiều. Đặc biệt, trong triển lãm lần này, cần tài trợ những gian hàng cho những doanh nghiệp mới khởi nghiệp để họ đưa sản phẩm vào giới thiệu. Với tư cách đơn vị tài trợ, tôi đánh giá cao chương trình. Cần tổ chức thường xuyên hơn để làm sao ngành LTTP của TP an toàn, là nơi sản xuất những sản phẩm tốt cho cộng đồng” - ông Lê Thành nói.

Còn bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA nói: “Trong 8 tháng đầu năm 2022, một số nhóm hàng tăng trưởng tốt như thủy hải sản chế biến tăng 20,7%, sữa bột tăng 3,2%. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành LTTP 8 tháng đầu năm 2022 tăng 26,87%. Trong đó, phân ngành chế biến thực phẩm tăng 11,9% (nhóm hàng chủ lực như chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt tăng 15,4%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng 11%; sản xuất mỳ ống, mỳ sợi và các sản phẩm tương tự tăng 25%).

Nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh trở lại, đưa tổng mức bán lẻ hành hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phục hồi và tăng trưởng mạnh, kéo theo đó doanh thu bán lẻ hàng hóa các mặt hàng LTTP cũng tăng trưởng mạnh. Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay thì phải nói đây là một kết quả rất khả quan cho ngành và nền kinh tế Việt Nam”.

Còn nhiều thách thức trước mắt

Dù đưa ra những chỉ số để cho rằng kết quả khả quan, nhưng bà Lý Kim Chi cũng đưa ra những thách thức rất lớn trong bối cảnh bình thường mới. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cải thiện để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Cụ thể, hiện nay Việt Nam đã là quốc gia hội nhập sâu với kinh tế, thương mại toàn cầu, chịu tác động rất lớn với những biến cố phát sinh như chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, vì vậy khi tình hình kinh tế, chính trị của thế giới bất ổn như dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine…, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hợp tác với các nước. Giá nguyên liệu sản xuất và phí dịch vụ logistics tăng cao là những vấn đề chính có tác động không nhỏ đến việc nhận đơn hàng xuất khẩu mới của doanh nghiệp.

Bên cạnh vấn đề vận tải thì giá nguyên phụ liệu sản xuất kể cả trong nước và nhập khẩu đều tăng từ 15 - 40% so với thời điểm trước dịch bùng phát. Trong khi đó, các nguyên liệu nhập khẩu khác để chế biến hay bao bì đóng gói cũng tăng hơn 30% so với trước.

Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh từ các nước như: Ấn Độ, Thái Lan…, cần thiết đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, thay đổi công nghệ, chuyển đổi số, truy suất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm, đưa văn hóa bản địa vào sản phẩm để thích ứng với yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu. 

Hiện nay, việc các nước đặt ra các rào cản kỹ thuật rất khắt khe là thách thức lớn đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến. Điều này là thực tế tất yếu khi Việt Nam chưa giành được thế chủ động trong xuất khẩu hàng hóa cả về thị trường, sản phẩm, công nghệ sản xuất.