Lương cao nhưng thiếu nhân sự
Bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, công nghệ thông tin (CNTT) vẫn đang là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế khi liên tục từ đầu năm đây là ngành có xuất siêu lớn nhất. Bên cạnh đó với mục tiêu của Chính phủ là xây dựng Việt Nam thành một quốc gia số vào năm 2030, có thể nhận thấy CNTT chính là tương lai của đất nước. Tuy nhiên nhân lực chưa theo kịp nhu cầu phát triển, đặc biệt là đội ngũ chất lượng cao vẫn luôn là rào cản cho lĩnh vực này.
Theo một báo cáo về thị trường IT Việt Nam của nền tảng tuyển dụng TopDev, ngay trong năm 2021, Việt Nam cần khoảng 450.000 nhân lực trong ngành CNTT. Tuy nhiên, số lượng lập trình viên hiện tại mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.
Chỉ 30% số sinh viên CNTT tốt nghiệp là đủ khả năng vào làm tại doanh nghiệp (Ảnh minh họa) |
Trên thực tế nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho ngành CNTT cũng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Với khoảng hơn 45.000 doanh nghiệp trong ngành đang hoạt động ở Việt Nam, nhu cầu việc làm trong 2021 đang vào khoảng hơn 117.000 nhân lực tăng tới 36% so với năm 2020.
Không chỉ tăng mạnh về số lượng, mức lương được doanh nghiệp chi cho nhân lực CNTT, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cũng đang ở mức kỷ lục. Từ mức cơ bản nhất là 342 USD/tháng cho đến tối thiểu là hơn 2.000 USD/tháng cho các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn cao hơn. Dự kiến mặt bằng này sẽ tiếp tục được tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên để tuyển dụng được nhân sự cho những mảng đang là xu thế, có hàm lượng chuyên môn cao thì mức lương “khủng” chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là ứng viên đáp ứng đủ điều kiện lại là vấn đề khác. Có tới hơn 40% các doanh nghiệp CNTT thừa nhận họ đang rất khó khăn để tìm kiếm nhân sự cho các mảng quan trọng như quản lý, giám sát và kiến trúc hệ thống. Cần lưu ý mức thu nhập cho những nhân sự dạng này vào khoảng 1.300 USD cho đến hơn 2.200 USD/tháng.
Hay như nhìn sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ được xác định là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là điều kiện không thể thiếu để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số cũng đang gặp vấn đề tương tự. Trong số 400.000 nhân sự CNTT trong nước mới chỉ có 4.000 người tương đương với 1% có cơ hội tiếp cận và được đào tao chuyên môn về lĩnh vực này.
Đây thực sự là một con số đáng báo động, bởi ngay từ hiện tại, ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới AI đang là công nghệ cốt lõi trong nhiều lĩnh vực như công nghệ tài chính, ngân hàng, y tế … Thậm chí nhiều doanh nghiệp trong nước cũng dần nhìn nhận đây là yếu tố quyết định để tạo ra các dịch vụ, sản phẩm mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu không bù đắp được lượng nhân sự chất lượng cao cho AI, rất có thể Việt Nam sẽ lại một lần nữa lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Nói về vấn đề này, CEO TopCV Trần Trung Hiếu cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam đang rất khó khăn khi muốn tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao. Hàng năm, số lượng sinh viên CNTT ra trường lớn nhưng ứng viên có năng lực phù hợp lại rất ít.
Bằng cấp không phải là yếu tố quan trọng nhất đối với nhân lực trong ngành CNTT, năng lực chuyên môn thực tế mới là quyết định. Có một thực tế, việc đào tạo tại các trường đại học ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó dẫn tới thiếu hụt nhân sự chất lượng cao.
Nhân lực CNTT chất lượng cao không chỉ là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp trong nước mà còn rất được săn đón bởi những công ty đa quốc gia. Với mô hình làm việc từ xa nhiều nhân sự chất lượng cao của Việt Nam đã được doanh nghiệp quốc tế của Singapore hay Mỹ tuyển dụng. Đây chính là cơ hội cho nhân sự ngành CNTT, ông Trần Trung Hiếu đưa ra lời khuyên.
Gắn đào tạo với doanh nghiệp
Hiện tại Việt Nam đang có 149 trường đại học, 412 trường cao đẳng và trung cấp có đào tạo về CNTT, hàng năm cung cấp ra khoảng 55.000 kỹ sư. Tuy nhiên phần lớn kiến thức mà sinh viên được tiếp xúc tại các cơ sở này đều chỉ là cơ bản, thiếu chiều sâu và chuyên biệt cụ thể, do không ít trong số này khi bước ra đi làm cần phải đào tạo lại.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, giám đốc một công ty chuyên về tài chính tại Hà Nội cho biết, để tuyển dụng một nhân sự CNTT chất lượng cao là rất khó khăn, nhiều khi đưa ra mức lương cao cũng không tìm được người thích hợp. Do đó, công ty đã phải chuyển hướng sang những sinh viên mới ra trường, hoặc nhân sự có trình độ thấp hơn trong lĩnh vực mình mong muốn nhưng hầu hết đều cần quãng thời gian 3-6 tháng để đào tạo lại mới có thể bắt tay vào công việc.
Nhìn nhận về vấn đề trên nhà sáng lập của Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX Nguyễn Thành Nam nhận định, hiện tại các đơn vị đào tạo chính thống về CNTT mới đang chỉ cung cấp được khoảng 40% nhu cầu của thị trường. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo là hướng đi cần thiết để lấp đầy số lượng nhân sự đang thiếu, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao.
Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, không ít các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư vào công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng kinh doanh. Do đó, các cơ sở đào tạo cần kết hợp với họ, đưa ra các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, khi đó sẽ vừa có nhân lực chất lượng cao và có cả đầu ra cho những người này.
Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đã được thực hiện và mang lại đầu ra thực tế. Có thể kể đến như: Vingroup đặt hàng 54 trường đại học sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT trong vòng 10 năm tới; Viettel, VNPT hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện công nghệ Bưu chính - Viễn thông… nhằm đào tạo cũng như nhân sự chất lượng cao hàng năm.
Hay như Samsung Việt Nam, từ nhiều năm qua đã coi việc kết hợp với các trường đại học trong nước để đào tạo kỹ sư chất lượng cao là hướng đi chính. Ngay từ 2018, Tập đoàn này đã kết hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội ... nhằm triển khai các chuyên ngành đang rất nổi hiện nay như: Robot, Big Data, AI … Sau đó các nhân sự này sẽ làm việc cho chính Samsung Việt Nam.
Có thể thấy, việc kết hợp giữa đào tạo và doanh nghiệp là mô hình đúng đắn nhất tại thời điểm này nhằm xây dựng đội ngũ CNTT, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một mặt nhân sự sẽ được đào tạo đúng chuyên môn, mặt khác sẽ được đảm bảo đầu ra khi đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu từ doanh nghiệp.