Ngành công nghiệp ICT Việt Nam: Phần lớn thuộc về FDI

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành công nghiệp ICT đã mang lại tổng doanh thu lên tới hơn 72 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị Make in Viet Nam vẫn chỉ chiếm một phần khá khiêm tốn vào khoảng hơn 26%, tương đương với hơn 19 tỷ USD. 

Doanh thu ICT tăng trưởng mạnh

Nhìn vào các số liệu vừa được công bố của Bộ TT&TT, có thể thấy, tương tự như nhiều năm trở lại đây, ngành công nghiệp ICT vẫn đang là lĩnh vực đi đầu và chiếm phần lớn doanh thu của toàn bộ mảng TT&TT. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành này đã đem lại doanh thu 72,5 tỷ USD chiếm gần như toàn bộ tổng doanh thu hơn 78 tỷ USD của mảng TT&TT.

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đang là mảng mang lại doanh thu chủ đạo cho ngành ICT.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đang là mảng mang lại doanh thu chủ đạo cho ngành ICT.

Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần cứng và điện tử vẫn tiếp tục là trụ cột với kim ngạch xuất khẩu đạt 57 tỷ USD tăng 16,4% so với 6 tháng đầu 2021. Trong đó xuất khẩu máy tính đạt 29,1 tỷ USD tăng 21,8% và xuất khẩu điện thoại đạt 27,9 tỷ USD tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Nhận định từ các đơn vị độc lập khác như ngân hàng HSBC cũng cho thấy xuất khẩu đang là động lực chính của ngành công nghiệp ICT. Theo đó, Việt Nam đang là quốc gia sản xuất smartphone số 2 thế giới khi đang chiếm 13% trong tổng số điện thoại thông minh đang được bán ra trên toàn thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc với 50%.

Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đang là quốc gia đứng số 1 khu vực ASEAN về sản xuất máy tính xách tay. Đồng thời, Việt Nam cũng đang là một trong những quốc gia cung cấp bộ vi xử lý cho các thiết bị điện tử được lắp ráp trên toàn thế giới. 

Làn sóng đầu tư cũng như dịch chuyển cơ sở sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử vào Việt Nam cũng liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Không chỉ những nhà đầu tư quen thuộc như Samsung tiếp tục rót thêm vốn mà ngay cả các nhà cung ứng liên quan đến Apple cũng bắt đầu đặt chân vào Việt Nam. Theo đó, ba hãng lắp ráp sản phẩm Apple là Foxconn, Luxshare và Goertek đã công bố kế hoạch đầu tư lớn để gia tăng công suất và tăng cường sử dụng nhân công địa phương.

Cũng theo Bộ TT&TT, nửa đầu năm 2022 cũng là quãng thời gian chứng kiến sự nhảy vọt về số lượng của doanh nghiệp công nghệ số. Tính đến hiện tại Việt Nam đang có 67.300 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 3.422 doanh nghiệp so thời điểm cuối tháng 12/2021. Qua đó đạt tỷ lệ xấp xỉ khoảng 0,69 doanh nghiệp/1.000 dân. Đây cũng chính là cấu phần quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của toàn ngành.

Hoạt động nghiên cứu và sản xuất thiết bị công nghệ cao cũng đạt được bước tiến lớn. Tính đến hết tháng 6/2022, thiết bị 5G do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đã đảm bảo được đầy đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G từ mạng lõi, mạng truyền dẫn cho đến mạng truy cập. Trên thực tế những thiết bị này đã được triển khai lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ ở một số khu vực diện rộng với tốc độ download 1.5 Gbps, upload 60Mbps. 

Hiện tại, các doanh nghiệp công nghệ trong nước đang trong quá trình tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có công suất và tính năng kỹ thuật cao hơn đồng thời triển khai thực hiện hoạt động sản xuất lô lớn để đáp ứng mục tiêu kế hoạch triển khai diện rộng 5G trong năm 2023. Đánh giá về kết quả chất lượng dịch vụ mạng và chỉ tiêu kỹ thuật của thiết bị 5G gNodeB trong nước sản xuất cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Quy chuẩn quốc gia.

Tăng giá trị Make in Viet Nam

Theo thống kê, tính đến hết tháng 6/2022, tỷ lệ giá trị Make in Viet Nam trong cơ cấu doanh thu của ngành công nghiệp ICT đang ở mức 26,72% với giá trị ước đạt khoảng 19,4 tỷ USD trên tổng số hơn 72,5 tỷ USD của toàn ngành. Con số này đang khá thấp so với hơn 53 tỷ USD mà các giá trị từ các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) mang lại thông qua các hoạt động gia công và lắp ráp.

Tỷ lệ giá trị Make in Viet Nam vẫn còn thấp.
Tỷ lệ giá trị Make in Viet Nam vẫn còn thấp.

Không chỉ ở hiện tại mà từ nhiều năm nay, mặc dù Việt Nam luôn nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn trên thế giới nhưng thực tế phần lớn giá trị mang lại đều đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, các tập đoàn đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đang chiếm vai trò chủ đạo.

Đánh giá của ngân hàng HSBC cũng từng chỉ rõ, phần lớn thành công của ngành ICT Việt Nam là nhờ các khoản đầu tư của Samsung. Trong 2 thập kỷ qua, hãng này đã rót vào Việt Nam số tiền lên tới khoảng 18 tỷ USD. Với 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), Việt Nam đang cung ứng một nửa sản lượng điện thoại của Samsung. Nhờ vậy, thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu mới có mức tăng trưởng như hiện tại.

Tuy nhiên, về lâu dài, đặc biệt là nhằm đáp ứng được các mục tiêu về phát triển kinh tế số của Việt Nam đến năm 2025 là chiếm 20% GDP thì việc gia tăng mạnh hơn nữa giá trị Make in Viet Nam được xem là yêu cầu bắt buộc.

Nói về vấn đề ngày, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, việc quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI sẽ khiến ngành công nghiệp ICT phát triển thiếu bền vững. Do đó, cần phải đẩy mạnh chiến lược Make in Viet Nam nhằm hướng tới một nền công nghiệp tự chủ. Tại đó doanh nghiệp công nghệ số trong nước sẽ làm chủ các khâu sáng tạo và thiết kế, đây đều là những công đoạn mang lại giá trị cao.

Để làm được điều này, doanh nghiệp công nghệ số trong nước sẽ phải đi đầu và thể hiện vai trò dẫn dắt khi chủ động nghiên cứu, phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm Make in Viet Nam có thể ứng dụng trong mọi ngõ ngách của đời sống cũng như kinh tế.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Long, về phía nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp ICT tập trung nghiên cứu các công nghệ lõi Make in Viet Nam. Chỉ khi Việt Nam sở hữu những công nghệ quan trọng này thì việc gia tăng giá trị Việt Nam trong chuỗi xuất khẩu công nghệ mới có thể có bước tiến đáng kể.

Ngoài ra, cũng cần có những chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp ICT, thông qua các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như đào tạo nhân lực chất lượng cao. "Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần thể hiện vai trò cầu nối nhằm đưa các sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam ra quảng bá trên toàn thế giới, từ đó có thể nâng cao hơn giá trị của những sản phẩm này", ông Nguyễn Văn Long nói.

 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng:

Nếu công nghiệp ICT vẫn là lắp ráp, gia công, làm thuê thì lĩnh vực này vẫn như cũ. Tuy nhiên, nếu công nghiệp ICT là "Make in Viet Nam", là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, điều này sẽ biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ và ngành công nghiệp ICT sẽ có mức tăng trưởng gấp 2-4 lần mức tăng GDP cả nước