Phát biểu khai mạc hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Phương Hoàng Kim cho biết, sau 4 năm triển khai thực hiện (12/2017 – 31/7/2022), Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả, thành tích khả quan.
Hơn 100 doanh nghiệp đã được cung cấp, tiếp cận thông tin dự án trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp đã được nhận hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ dự án như đánh giá hiệu quả vận hành, tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tính toán hiệu quả đầu tư cũng như đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Cụ thể lượng năng lượng tiết kiệm được hàng năm đạt 1,18 triệu MWh/năm, vượt 72,5% so với kế hoạch đề ra và lượng phát thải khí nhà kính tránh được hàng năm đạt khoảng 996.000 tấn CO2/năm, vượt 8,5% so với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án cũng gặp phải không ít thách thức như việc lãi suất không quá hấp dẫn và chưa đủ khuyến khích so với lãi suất thương mại từ nguồn vốn khác; Mức tiết kiệm năng lượng cố định ở mức cao chỉ áp dụng đối với các công nghệ hiện đại trong một số ngành cụ thể. Trong giai đoạn 2020-2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, dẫn đến hạn chế mua sắm và đầu tư, nhất là đầu tư cho tiết kiệm năng lượng.
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương và WB đã trao cúp chứng nhận và kỷ niệm chương cho 11 doanh nghiệp tiêu biểu đã ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quá trình thực hiện Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam.