Hội nghị đã đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Trong 2 năm qua, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, sản xuất công nghiệp ở các tỉnh, thành phố trong khu vực giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực; 12/15 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn cả nước. Trong đó, một số địa phương tăng trưởng cao trên 2 con số như: Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kom Tum, Lâm Đồng... Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2021 đạt 474.871,5 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Toàn khu vực có 11 khu kinh tế với 726 dự án; 50 khu công nghiệp thu hút được 1.834 dự án; 196/242 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 2.168 dự án đầu tư. Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2021 toàn khu vực đạt hơn 740.249 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2020, cao hơn mức bình quân của cả nước (-3,8%), chiếm tỷ trọng 15,4% cả nước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 13.495,7 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu năm 2021 đạt 11.678,9 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trong khu vực tiếp tục đà hồi phục. Một số tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn khu vực 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng cao, ước đạt 261.371 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn khu vực ước đạt 425.321,5 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ và đạt 52% kế hoạch năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.140,8 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ và đạt 70% kế hoạch năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5.839,5 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ và đạt 73% kế hoạch năm 2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí kinh tế, địa lý giữ vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là địa bàn nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đạt thành tựu lớn trên nhiều mặt... Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước. Đặc biệt, năm 2021, khu vực có 2 địa phương trong Top 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước là: Gia Lai 9,71%; Ninh Thuận 9%... (cả nước tăng 2,58%).
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển. Những hạn chế này, không chỉ là vấn đề của riêng ngành Công Thương, mà là vấn đề chung của cả nước.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Hội nghị đã tập trung thảo luận đánh giá đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022. Chia sẻ kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.