Ngành Dệt may được lợi gì từ Hiệp định Thương mại EVFTA?

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2/2020. Đây là Hiệp định thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA mở ra thị trường xuất khẩu lớn cho ngành Dệt may của Việt Nam, tuy nhiên các đơn vị trong ngành có tận dụng được lợi thế đó không còn cả câu chuyện dài.

Năm 2019: Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 39 tỷ USD

Nhìn lại năm 2019, ngành Dệt may đã giảm 2,8% so với năm 2018. Nguyên nhân là do chi phí lao động tăng và ảnh hưởng tức thời từ các hiệp định FTA được ký kết chưa đáng kể. Chiến tranh thương mại trở nên căng thẳng trong nửa cuối năm 2019, đồng Nhân dân tệ mất giá, nhu cầu sợi từ Trung Quốc sụt giảm, khiến các nhà máy sản xuất sợi phải bán phá giá và hàng may mặc của Việt Nam rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngành Dệt may được lợi gì từ Hiệp định Thương mại EVFTA? - Ảnh 1

Ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong năm 2019.

Theo Vinatex, năm 2019, nhu cầu dệt may thế giới tăng 3,3%; trong khi đó năm 2018 tăng 7,4%.
Trong khi nhu cầu tăng thì xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,3%; ngược lại Việt Nam tăng 7,3%; Ấn Độ và Bangladesh tăng xuất khẩu lần lượt là 1,4% và 2,4% so với cùng kỳ.
Theo Văn phòng dệt may Hoa Kỳ (OTEXA), nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ tăng khoảng 3% trong năm 2019. Ngược lại, xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc sang Mỹ giảm 6,6% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam vẫn xuất khẩu tăng 10%. Giai đoạn 2018 - 2019, thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng từ 11,8% lên 12,8%; ngược lại thị phần của Trung Quốc giảm từ 36,4% còn 33,4%.
Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam đã thu hút được 1,5 tỷ USD vốn FDI. Có dòng vốn, các DN đã tăng đầu tư vào ngành sợi và sợi màu từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Mặc dù vậy, các DN Dệt may Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Chiến tranh thương mại đã khiến ngành thời trang toàn cầu tăng trưởng chậm lại kể cả dòng thời trang cao cấp. Khu vực Bắc Mỹ và châu Âu (cả ở thị trường phát triển và thị trường mới nổi) chiếm gần 50% doanh thu ngành thời trang thế giới trong năm 2019.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước tính đạt 39 tỷ USD, tăng 7,3%, nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 40 tỷ USD, trong khi đó, 2 năm 2017 và 2018 có tăng trưởng lần lượt là 10,8% và 16%. Xuất khẩu năm qua của Việt Nam sang các thị trường chỉ đạt mức tăng trưởng một con số; thị trường có tăng trưởng cao nhất là Mỹ cũng chỉ đạt 8,9%.
Đối mặt với khó khăn?
Mức lương tối thiểu tiếp tục tăng khoảng 5,1 - 5,7% trong năm 2020, với tốc độ tương tự như mức tăng năm 2019. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Việt Nam đã nâng mức lương tối thiểu lên 12 lần kể từ năm 2008. Khi nhiều nhà máy có vốn đầu tư FDI dịch chuyển và thành lập tại Việt Nam, khả năng cạnh tranh về lương sẽ trở nên khốc liệt hơn giữa các công ty trong nước và các công ty có vốn đầu tư FDI, đẩy lạm phát tiền lương cao hơn và ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty. Ngoài ra, chi phí điện và chi phí vận chuyển cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

Ngành Dệt may được lợi gì từ Hiệp định Thương mại EVFTA? - Ảnh 2

Nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu đến 60%, thiếu chuỗi sản xuất đồng bộ trong nước.

Ngành dệt may phụ thuộc đến 60% nguồn nhập khẩu từ máy móc, đến nguyên vật liệu và phụ kiện. Với các quy định khó khăn về nguồn gốc từ CPTPP đối với sợi chuyển tiếp. Theo đó, các quy tắc xuất xứ cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực CPTPP nhằm mục đích thúc đẩy việc thiết lập các chuỗi cung ứng và đầu tư trong khu vực để tăng giá trị của hàng dệt may được sản xuất trong khối.
CPTPP cũng có cơ chế tự vệ đặc biệt đối với hàng dệt may để đối phó với thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước trong trường hợp có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu.
EVFTA quy định về vải chuyển tiếp, các công ty may mặc không có chuỗi giá trị tích hợp đầy đủ ở Việt Nam sẽ không nhận thấy tác động ngay lập tức, vì các công ty này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc.
Theo một số DN dệt may và Vinatex: Sản lượng mỗi đơn hàng đầu năm nay giảm, khách hàng không còn đặt hàng trước 3 - 6 tháng như trước và giá cả trở nên cạnh tranh hơn. Dự đoán, xu hướng này còn tiếp tục diễn ra ít nhất đến quý 2/2020.
Khối các doanh nghiệp FDI có tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam khoảng 60%, cũng có hiệu suất thấp, với doanh thu thấp hơn ước tính do giá bông toàn cầu giảm nhanh, khách hàng thận trọng đặt hàng hơn do lo ngại về chiến tranh thương mại và dịch bênh Covid-19.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu từ FDI có thể vẫn được hưởng lợi từ EVFTA vì một phần sợi và vải tự cung cấp, ít bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với các công ty Dệt may trong nước.
Chuyên gia cho rằng, các DN Dệt may Việt nam muốn được hưởng lợi từ thuế suất có thể giảm đến 0% khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và tránh những quy định tự vệ từ CPTPP thì cần phải tổ chức cơ cấu lại sản xuất, giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc từ các nước không tham gia Hiệp định.
Lợi thế và dự báo xu hướng?
Theo The McKinsey Global Fashion Index dự đoán, doanh thu ngành thời trang thế giới sẽ tăng 3 - 4% trong năm 2020, thấp hơn khoảng 0,5% so với mức tăng trong năm 2019.
Mức dự báo thấp hơn dựa trên phản ánh người tiêu dùng ngày càng thận trọng khi những đe dọa từ chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra. Tại thị trường Mỹ và EU, tâm lý người tiêu dùng bất ổn trong khi ở thị trường mới nổi Châu Á - Thái Bình Dương tương đối mạnh nhưng tăng trưởng cũng giảm dần. Lợi ích kinh tế sẽ tiếp tục chảy vào một nhóm nhỏ các công ty hàng đầu được lựa chọn, trong khi các công ty tầm trung ngày càng bị cạnh tranh mạnh.

Ngành Dệt may được lợi gì từ Hiệp định Thương mại EVFTA? - Ảnh 3

Các sản phẩm thời trang châu Âu được hưởng lợi thuế suất trên lãnh thổ Việt Nam ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Đối với Việt Nam, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt may sẽ đạt 41,5 tỷ USD đến 42 tỷ USD trong năm 2020, tăng trưởng khoảng 6,4 - 7,7%. Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các chi nhánh đặt mục tiêu hoàn thành 50,9 nghìn tỷ đồng doanh thu tăng trưởng 3,5%, đạt 1,55 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11,3%.
Theo VITAS, hầu hết các công ty vẫn đang đàm phán cho các đơn hàng đến quý 2/2020, chủ yếu là do cạnh tranh về giá, không giống các năm trước. Hầu hết các DN mong đợi các đơn hàng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020.
EVFTA dự kiến sẽ mở rộng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU, thị trường lớn thứ 2 đối với các sản phẩm của Việt Nam. EU đã nhập khẩu 4,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu từ Việt Nam, tăng 2,2% so với năm 2019. Hàng may mặc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU từ Việt Nam.
Theo SSI, Việt Nam được hưởng lợi từ chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước đang phát triển, với mức thuế suất ưu đãi là 9% đối với một số dòng thuế hạn chế. Sau khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) sẽ tự động thay thế mức thuế suất theo GSP. Điều đó có nghĩa là trong 2 năm đầu tiên triển khai EVFTA, hầu hết các sản phẩm may mặc trong nước sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, bởi vì mức thuế suất theo MFN cho các sản phẩm này thực tế cao hơn mức thuế suất theo GSP là 9% như hiện nay.
Cụ thể, hầu hết các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ thấy thuế xuất khẩu được loại bỏ dần khỏi biểu thuế MFN từ 12% xuống 0% trong 3 - 7 năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Những sản phẩm sẽ được giảm thuế ngay lập tức là những sản phẩm không phải là hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU như sợi.
Theo quy tắc xuất xứ trong EVFTA, các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Có một số điểm linh hoạt như hàng may mặc được sản xuất tại Việt Nam từ các loại vải được sản xuất tại Hàn Quốc mà EU có FTA cũng sẽ đủ điều kiện để được miễn thuế.
Tuy nhiên, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, có giá thấp hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Điều này khiến các công ty trong nước gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi.