Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành dệt may lỡ hẹn mục tiêu 39 tỷ USD

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu lao động, sản xuất đình trệ, nhiều khoản chi phí tăng cao, bắt buộc thực hiện “3 tại chỗ” trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là những khó khăn của các DN ngành dệt may do tác động của dịch Covid-19.

Thực tế này đang trở thành thách thức lớn đối với ngành dệt may và mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD là bất khả thi khi chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2021.
Chồng chất khó khăn

Thông tin từ Tổng cục thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng năm 2021 của ngành dệt may Việt Nam đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,1% so cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, theo phản ánh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đến thời điểm này, hầu hết các DN đã nhận được đơn hàng đến hết năm 2021, thậm chí đủ đơn hàng cho cả quý I, II/2022. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành dệt may, nhất là đối với các DN dệt may trong TP Hồ Chí Minh là địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất cả nước.
 Ngành dệt may gặp khó vì dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Hải
Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho biết, các DN dệt may trong TP Hồ Chí Minh nói riêng và DN dệt may cả nước nói chung đang đứng trước những thách lớn. Đơn hàng đã có nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguy cơ DN ngừng sản xuất, sản xuất không ổn định, giao hàng không đúng tiến độ đang hiện hữu. Thực tế, khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, đã có ít nhất 45 DN dệt may phải ngừng sản xuất. Cùng với đó là mối lo thiếu hụt lao động trong khi chi phí ngày càng tăng. Không chỉ vậy, các DN còn phải đổi phương thức vận chuyển, chuyển sang đường hàng không để kịp thời gian giao hàng đối tác.

“Ở thời điểm hiện tại, tỷ trọng các nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30 - 35%. Tới đây, hàng loạt nhà máy này thậm chí sẽ phải đóng cửa lâu dài, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ. Đó là bởi các DN không có đủ tiềm lực để chi phí các vấn đề cho làm việc “3 tại chỗ”, trả lương hỗ trợ cho người lao động để người lao động quay trở lại làm việc… Đây là thách thức rất lớn trong ổn định mô hình của DN dệt may Việt Nam” - ông Vũ Đức Giang phân tích.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10 (May 10) Thân Đức Việt chia sẻ, từ nay đến cuối năm là tình trạng thiếu hụt container cho cả hai chiều xuất và nhập khẩu, cũng như các DN vận tải đang đòi tăng giá cước lên 20%, trong khi May 10 vẫn phải chi trả những chi phí khác. Điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu của DN. Thậm chí nếu DN giao hàng chậm sẽ bị đối tác phạt tiến độ, đó là chưa kể đến những chuyến hàng DN không kịp giao bằng đường thủy, phải đi bằng đường hàng không với chi phí cao gấp nhiều lần.

Nỗ lực vượt khó

Để kịp trả đơn hàng cho đối tác, các DN dệt may đang phải chạy hết công suất. Theo ông Thân Đức Việt, đơn vị vừa phải lo sản xuất kinh doanh, vừa phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với mục tiêu không để dịch Covid-19 xuất hiện ở May 10 và không để ai bị bỏ lại phía sau. Hiện, May 10 tăng cường công suất sản xuất và cơ cấu lại các nhóm, ca làm việc để tăng năng suất lao động để kịp trả hàng cho đối tác theo hợp đồng, tránh chuyện bị phạt vì trễ hẹn.

Thời điểm này, Công ty CP may Bình Minh (TP Hồ Chí Minh) chỉ dám nhận số đơn hàng bằng khoảng 70% so với năm 2020 từ các khách hàng Mỹ và châu Âu để khi có tình huống xấu, xảy ra ca bệnh, có thể chuyển đơn hàng cho các nhà máy của công ty ở khu vực khác sản xuất. “Để đảm bảo tiến độ giao hàng thì trước khi nhận đơn hàng chúng tôi tính toán chọn hàng thuộc sở trường của mình. Thời hạn giao hàng phải giãn ra, thiếu lao động thì các dây chuyền khác đôn lao động lên, khâu nào thiếu người, thiếu lao động thì luân chuyển người trong chuyền hoặc đưa người từ khối gián tiếp hỗ trợ khối sản xuất trực tiếp” - Tổng Giám đốc Công ty CP may Bình Minh Võ Quốc Hào cho hay.

Còn tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, mỗi ngày các xưởng ở TP Hồ Chí Minh phải sản xuất khoảng 20.000 sản phẩm để 1 tuần có đủ 5 container hàng giao cho khách ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Trong khi lao động thiếu khoảng 20% và phải thực hiện giãn cách nên DN buộc phải tăng lên 2 ca. Trong khi đó, DN vẫn thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo giãn cách trong sản xuất, ăn trưa, nghỉ giữa ca và khử khuẩn liên tục các khu vực này. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho biết: “Nhằm đảm bảo sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty đã sửa lại nhà xưởng rộng hơn đáp ứng việc nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội. Công ty đã bố trí cho công nhân vừa làm việc vừa ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ nên dù nhiều khu vực trong thành phố phong tỏa, song công ty vẫn đảm bảo duy trì sản xuất”.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, giải pháp cấp thiết và lâu dài đối với các DN dệt may Việt Nam để ổn định sản xuất vẫn là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tuyển dụng đủ lao động và người lao động được tiêm vaccine sẽ tạo điều kiện tốt cho DN yên tâm sản xuất, kịp thời giao trả hàng trong thời gian đến cuối năm. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của hàng dệt may Việt Nam hiện nay mà còn tạo nguồn lợi nhuận, tạo tiền đề cho sự bứt phá trở lại của ngành này những năm tới.

Không thể đạt mục tiêu xuất khẩu?

Nhận định về khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2021, ông Vũ Đức Giang cho rằng, nếu bước sang tháng 9/2021, tình hình dịch bệnh tại khu vực phía Nam được kiểm soát, các DN trở lại làm việc ở trạng thái bình thường thì con số xuất khẩu cả năm nay sẽ đạt khoảng 32 - 33 tỷ USD. Nhưng nếu dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp thì con số 32, 33 tỷ USD cũng khó có thể đạt được.

Dự báo về tình hình xuất khẩu dệt may những tháng cuối năm, một số chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm không lạc quan. Bởi theo lý giải, trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa giữ vững sản xuất, các DN dệt may sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức mà không thể khắc phục trong thời gian ngắn hạn. Kể cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì các khó khăn như: Thiếu lao động, chi phí sản xuất lại cao hơn do giá nguyên liệu, phí vận chuyển, logistics tăng vẫn sẽ bủa vây các DN.

Để gỡ khó cho các DN dệt may cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước, Chính phủ cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng, có cơ chế thuận lợi để DN tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để chuẩn bị cho những đơn hàng sắp tới và có tiền trả lương cho công nhân. Cùng với đó, Nhà nước hỗ trợ DN giảm chi phí, giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến cuối năm, giảm, giãn các loại thuế để DN chủ động hơn về tài chính lo cho sản xuất trước mắt.

Riêng đối với các DN dệt may khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, điều họ mong muốn nhất lúc này là Chính phủ đẩy nhanh việc tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, tiến tới kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh để hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Khi đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước sẽ tạo thêm nguồn lực cho DN dệt may phục hồi sản xuất, tăng tốc thực hiện những đơn hàng cuối năm.

"Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào tháng 9/2021 thì số lượng công nhân dự kiến chỉ đạt 65%. Do đó, thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là thách thức lớn cho ngành dệt may trong quý III và cả quý IV. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistics tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các DN có đơn hàng ODM và OBM (thiết kế sản phẩm mang thương hiệu và tạo thành phẩm)." - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang