Đó là trần tình của Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh năm 2010 của EVN do Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần qua.
Tăng giá điện để bù lỗ
Theo Bộ Công Thương, năm 2010, tổng sản lượng điện sản xuất và mua ngoài của EVN là 95,472 tỷ kWh. Tổng sản lượng điện thương phẩm thực hiện được là 85,647 tỷ kWh. Tính ra, năm 2010, EVN phải chi phí cho sản xuất kinh doanh điện 101.096 tỷ đồng (tương ứng 1.180 đồng/kWh). Trong khi đó, doanh thu bán điện chỉ đạt 90.934 tỷ đồng (tương ứng giá điện bán điện bình quân 1.061,4 đồng/kWh). Như vậy, năm 2010, sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 10.162 tỷ đồng (chưa tính đến lỗ/lãi tại các công ty cổ phần điện EVN góp vốn). Ngoài phần lỗ kinh doanh, năm 2010 EVN còn khoản chi phí vẫn treo lại chưa được tính hết vào giá thành sản xuất kinh doanh điện bao gồm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 15.463 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại 356 tỷ đồng.
Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết, những nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN bị lỗ do sản lượng thủy điện thấp (do thiếu nước nghiêm trọng) nên EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu của EVN và mua điện ngoài với giá cao gấp 3 - 4 lần giá bán điện bình quân, làm tăng chi phí rất lớn so với kế hoạch chi phí được duyệt trong phương án giá điện năm 2010. Bên cạnh đó, giá bán điện thấp hơn giá thành là nguyên nhân chính gây nên tình trạng các nhà máy điện càng sản xuất kinh doanh nhiều càng lỗ nặng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc kêu gọi đầu tư vào ngành điện gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết số lỗ này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: “Năm 2011 dự kiến số lỗ cũng sẽ không thấp hơn. Nếu nói kinh tế thị trường, EVN mua điện giá cao phải bán giá cao, họ không phải chịu lỗ như hiện nay. EVN là một doanh nghiệp Nhà nước, và lỗ là do phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế của đất nước. Chúng ta cũng không thể để tập đoàn này phá sản, nên phải giải quyết lỗ của EVN qua giá vì EVN không có nguồn thu nào khác…Vì vậy, khoản lỗ do giá bán điện thấp hơn giá thành của tập đoàn này đương nhiên sẽ được hạch toán vào giá điện trong những đợt điều chỉnh thời gian tới".
Theo lãnh đạo ngành điện tại buổi họp báo, năm 2012 Hà Nội đứng trước nguy cơ thiếu điện nếu tuyến đường dây Vân Trì - Chèm và trạm 220kV Thành Công - Hà Đông không đẩy nhanh công tác GPMB, hoàn thành công trình để đóng điện trước 1/3/2012. |
Để giải quyết số lỗ của EVN, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã trình Chính phủ cho phép hạch toán lỗ của EVN vào giá điện. Như vậy, có thể hiểu việc giá điện điều chỉnh tăng trong thời gian tới là để góp phần bù lỗ cho EVN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương và EVN hiện đang xây dựng biểu giá điện mới, nếu có tăng giá bán điện tới đây sẽ vẫn hỗ trợ người nghèo gián tiếp, hộ nghèo dùng dưới 130kWh/tháng vẫn được nhận phiếu hỗ trợ gián tiếp.
Rất cần sự minh bạch
Mặc dù lần đầu tiên EVN công khai các khoản lỗ của mình nhưng trong dư luận vẫn có rất nhiều sự hồ nghi về những khoản lỗ này. Thực tế, mấy năm qua, nhiều tập đoàn kinh tế 100% vốn Nhà nước đã dùng vốn đầu tư ra ngoài ngành nghề chính và EVN cũng không phải là ngoại lệ. Và những khoản đầu tư đó lỗ, lãi ra sao cũng rất cần được minh bạch.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Lê Thanh cũng công bố, theo tính toán của "nhà đèn", nếu mỗi gia đình dùng 1 triệu đồng tiền điện một tháng, EVN phải bù 300.000 đồng. Các hộ sử dụng điện hết 2 triệu đồng ngành điện bù lỗ 600.000 đồng. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn thì việc lỗ mà EVN công bố mới chỉ ở khâu bán điện, còn lại việc kinh doanh lắp đặt đường dây và trạm cho các hộ tiêu thụ lớn lãi hay lỗ. Có chuyện bán nội bộ lãi nhưng bán cho hộ tiêu dùng thì lại lỗ hay không? Một vấn đề nữa rất được quan tâm trong lần “công khai” này đó là, đây không phải là lần đầu tiên EVN than lỗ nhưng lương và thu nhập bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn ngành điện là 7,3 triệu đồng/tháng (theo Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh). Tất cả những điều này rất cần phải được xem xét, làm rõ.
Việc tăng giá điện là cần thiết vì thực tế giá điện của Việt Nam đang rất thấp so với mặt bằng chung của nhiều nước. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài nếu hình thành thị trường điện cạnh tranh, người dân cần quen dần với việc giá điện tăng giảm theo biến động của thị trường. Ở đây đòi hỏi ngành điện phải công khai, minh bạch các phương pháp tính giá. Trên cơ sở đó xây dựng lộ trình tăng giá hợp lý. GS. TS. Trần Đình Long Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam |