Ngành GD&ĐT Nghệ An: Một năm nhìn lại

Thanh Ngọc - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng, ngành GD&ĐT Nghệ An đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao, đổi mới toàn diện.

Năm học vừa qua, ngành GD&ĐT Nghệ An đã có nhiều chỉ đạo và cách làm quyết liệt trong quá trình triển khai nhiệm vụ, nhất là việc chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành hiệu quả nhiệm vụ kép “Vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học”. Ngành tiếp tục giữ vững vị trí tốp dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên. Minh chứng cho thành quả ấy là 05 Huy chương quốc tế và khu vực, 81/102 đạt giải học sinh giỏi quốc gia. TP Vinh là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam được UNESCO công nhận “Thành phố học tập toàn cầu”. Kết quả điểm trung bình chung của học sinh Nghệ An đạt vị thứ 35/63 (tăng 7 bậc so với năm 2020). 01 học sinh sẽ tham gia trận chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21. Chất lượng phổ cập giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chuyển biến tích cực. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tính đến 05/11/2021, đã công nhận chuẩn mới 15 trường, nâng tổng số đạt chuẩn là 948 trường. Phấn đấu đến hết tháng 12/2021 sẽ công nhận mới, công nhận lại thêm 202 trường, để lũy kế có 1065 trường đang đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 73,35%.

  Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trao điện thoại thông minh cho học sinh huyện Quỳnh Lưu.

Cùng với đó, ngành GD&ĐT Nghệ An còn là tỉnh đi đầu cả nước trong công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, bài bản. Tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho 100% cán bộ quản lý trường tiểu học và giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021, 100% cán bộ quản lý và giáo viên THCS chuẩn bị dạy chương trình lớp 6 năm học 2021-2022. Đứng đầu cả nước với 26 giáo viên THPT trên tổng số 33 giáo viên THPT toàn quốc được thăng hạng I chức danh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành cũng đã thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng môi trường giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục miền núi, được Bộ GD&ĐT xem là điểm nhấn của toàn ngành trong năm học 2020-2021. Nổi bật là việc xây dựng mới các mô hình trường học; hoạt động giáo dục tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực; hội nhập khu vực và quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là trong dạy học; thực hiện tốt chủ trương “Tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, phòng chống dịch bệnh Covid-19 và khắc phục tình hình bão lũ kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời, ngành cũng đã ổ chức tốt các phong trào thi đua, các kỳ thi, hội thi tạo động lực để toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôn vinh 32 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” lần thứ 15. Đề nghị tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” cho 73 tập thể và 276 cá nhân; 06 cá nhân được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 02 cá nhân được đề nghị tặng Huân chương Lao động hạng 3; 01 tập thể được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.
  Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trao giải thưởng cho học sinh đạt giải

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm qua, ngành Giáo dục Nghệ An vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Trong đó, phải kể đến mạng lưới trường lớp khu vực miền núi, vùng cao vẫn còn nhỏ lẻ, nhiều điểm trường, khó đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ còn thấp. Do tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, nên hoạt động kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia chậm so với kế hoạch đề ra. Chất lượng giáo dục toàn diện vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, không đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt còn có sự chênh lệch khá lớn giữa vùng thuận lợi (thành phố, thị xã, các huyện đồng bằng) và vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Để khắc phục những khó khăn, năm 2022, ngành GD&ĐT Nghệ An sẽ tập trung nỗ lực thực hiện hoàn thành nhiệm vụ kép; quyết liệt huy động tối đa các nguồn lực đầu tư triển khai nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phòng chống Covid-19. Chuyển mạnh từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn. Xây dựng cơ chế cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục của từng cấp học, bậc học, từng cơ sở giáo dục theo chuẩn phát triển phẩm chất, năng lực người học và hội nhập quốc tế.