Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành giáo dục cần tập trung đào tạo “công dân toàn cầu”

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân mới, chiều 4/2 (mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới thăm làm việc, chúc Tết tập thể cán bộ, nhà giáo, công chức, viên chức ngành Giáo dục.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự khánh thành Phòng Truyền thống ngành Giáo dục Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc ngành Giáo dục ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đạt được những thành tích to lớn, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ngành Giáo dục bước vào năm học mới 2016-2017 với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức.
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Đây sẽ là năm học tăng cường kỷ cương, nề nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ.
Giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ban hành Chỉ thị về 9 nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016​-2017 và 5 giải pháp thực hiện của ngành Giáo dục trong năm học mới.
Đó là rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong toàn quốc; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra, ngành Giáo dục sẽ tập trung vào 5 giải pháp gồm hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục, đào tạo; ​nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; ​tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; ​tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.
Nói chuyện với các cán bộ, nhà giáo, công chức, viên chức ngành Giáo dục, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đây là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.
Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, thời gian qua, ngành Giáo dục đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và đạt được những thành tựu quan trọng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng trước bước tiến bộ về chất lượng giáo dục và đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý.
Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần tích cực vào phát triển giáo dục và đào tạo của toàn xã hội.
Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến quan trọng. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng đã được ban hành với cấu trúc thành 8 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả, thành tích xuất sắc mà ngành Giáo dục đã đạt được trong năm vừa qua.
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội.
Tám đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều giành được Huy chương Vàng. Việt Nam đã tổ chức thành công Kỳ thi Olympic quốc tế Sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 học sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.
Dẫn câu nói của Người anh hùng giải phóng dân tộc Nam Phi Nelson Mandela “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới,” Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, hiện nay giáo dục và đào tạo đang trở thành yếu tố quyết định và là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo.
Bày tỏ đồng tình với 9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản mà ngành Giáo dục đã đề ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đồng thời đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo; tạo sự đồng thuận cao coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng thịnh của dân tộc.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường; hướng các hoạt động hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành Giáo dục tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn,” giáo dục nâng cao tri thức đi cùng với tập trung giáo dục nhân cách, giáo dục thể chất.
Ngành Giáo dục cần đẩy mạnh tổ chức các phong trào thể dục, thể thao, rèn luyện thể chất trong học sinh, sinh viên để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu, xây dựng thế hệ tương lai ngày càng cường thịnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặc biệt lưu ý ngành Giáo dục tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông, vật liệu mới, lưu trữ năng lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.
Ngành Giáo dục phải chú trọng đổi mới cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; hỗ trợ liên kết hợp tác giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và doanh nghiệp để cung cấp môi trường thực hành giúp người học tiếp cận các xu thế phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp; nghiên cứu các mô hình đào tạo mới gắn với việc đổi mới và cấu trúc lại chương trình đào tạo trong một số ngành và lĩnh vực để có được đội ngũ “kỹ sư toàn cầu.”
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng yêu cầu ngành Giáo dục tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, giáo dục toàn diện như Bác Hồ kính yêu đã dạy “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức,” “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”
Ngành Giáo dục cần chú trọng công tác giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được học tập, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề, bảo đảm xóa mù chữ bền vững; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành Giáo dục triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu.
Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu, các trường đại học mang tầm khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực.
Sớm có chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao, như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài để hình thành đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực này.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chung tay chăm lo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục để đất nước sớm sánh vai với các cường quốc năm châu, như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.