Ngày 23/8, UBND huyện Đan Phượng tổ chức tổng kết năm học 2022 - 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024.
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, toàn huyện có 55 trường công lập, 1.072 nhóm, lớp; 33 nhóm trẻ độc lập, tư thục với tổng số 40.006 học sinh. Toàn ngành cũng có 2.625 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn chiếm 95,5%.
Đến nay, Đan Phượng có 54/55 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 60% trường đạt chuẩn mức độ 2 - dẫn đầu Thành phố về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia. Nhiều trường mầm non đã ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến như STEAM, Montessori, Reggio... trong phát triển chương trình, xây dựng kế hoạch, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục để tạo sự mạnh dạn, tự tin và các kỹ năng cho trẻ.
Ở cấp tiểu học và THCS, các trường tổ chức hoạt động giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Đồng thời tăng cường hiệu quả các giờ lên lớp, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh…
Riêng đối với học sinh lớp 5 và lớp 9, ngoài việc kiểm tra theo quy định, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng tổ chức khảo sát bằng hình thức coi chéo, chấm tập trung. Từ đó, thống kê, phân tích, xác định nguyên nhân, tổ chức hội thảo đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh.
Kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của huyện có nhiều khởi sắc. Môn Toán đạt 7,2 điểm/học sinh; môn Ngữ văn đạt 6,8 điểm/học sinh (tăng 0,46 điểm so với năm học trước). Riêng môn Tiếng Anh đạt 6,3 điểm/học sinh - tăng 0,2 điểm so với năm ngoái. Các trường THCS có tổng điểm xét tuyển cao: Đan Phượng, Lương Thế Vinh, Đồng Tháp, Tân Hội, Tân Lập, Song Phượng...
Đặc biệt, kết thúc năm học 2022 - 2023, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng được Sở GD&ĐT Hà Nội xếp 8/13 tiêu chí đạt xuất sắc, 4/13 tiêu chí đạt tốt.
“Năm học 2023 – 2024, ngành giáo dục huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trong giáo dục mầm non; tập trung thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 5, lớp 9 và chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 4 và lớp 6, 7, 8. Đồng thời đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng học sinh mũi nhọn, chất lượng thi vào 10 THPT” – bà Bùi Thị Thu Hằng cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam biểu dương, ghi nhận những kết quả của ngành giáo dục huyện đã đạt được trong năm học vừa qua. Theo ông Lê Thanh Nam, năm học 2023 2024, Bộ GD&ĐT xác định chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Do đó, ngành giáo dục Đan Phượng cần khẳng định và nâng lên tầm cao mới tiếp cận toàn diện khi huyện trở thành quận.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết thêm, quan điểm lãnh đạo chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện để phát triển kinh tế - xã hội, đối với GD&ĐT tập trung vào 3 nội dung chính gồm: tiếp tục rà soát mạng lưới trường học, ưu tiên quy hoạch diện tích đất cho giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng trường học điện tử, lớp học thông minh tiến tới giáo dục thông minh; tăng cường quản lý Nhà nước về giáo dục đảm bảo đoàn kết, kỷ cương.
“Huyện sẽ nghiên cứu cơ chế thu hút đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo để có nhiều nhà giáo giỏi tâm huyết muốn gắn bó và cống hiến cho ngành. Bởi nhiều nhà giáo giỏi sẽ có nhiều học sinh giỏi, đội ngũ ngành giáo dục là then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra sản phẩm giáo dục chính là thế hệ tương lai” – ông Lê Thanh Nam nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam đề nghị ngành GD&ĐT huyện tập trung tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Đồng thời tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ, Tin học, chú trọng giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh trên cơ sở nền tảng văn hóa và nét đẹp của người Hà Nội.
Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài; phối hợp tốt 3 môi trường giáo dục: Gia đình - Nhà trường - Xã hội; huy động sức mạnh của toàn xã hội chăm lo cho công tác giáo dục.
“Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền dành sự quan tâm nhiều hơn nữa cho giáo dục để sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, hội nhập, đáp ứng tiêu chí trở thành quận của Thủ đô Hà Nội trong tương lai” – ông Lê Thanh Nam nhấn mạnh.
Tại hội nghị, UBND huyện Đan Phượng đã khen thưởng cho 26 tập thể đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 15 giáo viên đạt giải Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố; 8 giáo viên đạt giải thưởng Chung khảo nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo.