Ngành giáo dục Thủ đô: Bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Song hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Không chỉ nâng cao chất lượng toàn diện mà còn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tập trung cho giáo dục chất lượng cao.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc. Ảnh: Minh Tuấn
Những con số ấn tượng
Trao đổi về công tác giáo dục của TP Hà Nội trong năm qua, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang thông tin, chuyển biến rõ nhất ở năm học 2018 – 2019 là điểm đầu vào lớp 10 của một số trường THPT, nhất là khu vực Hà Tây cũ đã tăng từ 8,5 - 17 điểm so với các mùa tuyển sinh trước đó. Đơn cử, trường Bất Bạt 23 điểm, Chương Mỹ B 34,5 điểm, Đồng Quan 42 điểm, Lê Quý Đôn - Hà Đông 50,5 điểm.
Năm học vừa qua, học sinh Hà Nội đỗ tốt nghiệp THPT đạt tỉ lệ tới 99,38%, trong khi trung bình của cả nước hơn 98,36%. Đáng mừng hơn, nhiều trường THPT ở khu vực ngoại thành có sự thay đổi đáng kể về kết quả tuyển sinh đại học như Đồng Quan đạt 85% số học sinh dự tuyển, tăng gần 50% so với năm trước. Điều này khẳng định, chất lượng giáo dục đại trà khu vực nội thành và ngoại thành đang rút ngắn khoảng cách và tiếp tục có những bước phát triển.
Trong năm học 2017 - 2018, học sinh Hà Nội giành được 19 giải và huy chương các loại trong những kỳ thi Olympic quốc tế, 132 giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia với 10 giải Nhất. Đặc biệt, Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT cử làm đại diện cho đoàn học sinh Việt Nam tham dự nhiều kỳ thi quốc tế và khu vực.
Riêng trong năm học 2017 - 2018, ngoài các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh Hà Nội xuất sắc giành được hơn 140 giải và huy chương trong các kỳ thi Olympic Toán học và Khoa học trẻ quốc tế ở cấp tiểu học, THCS…
Giáo dục mũi nhọn của Thủ đô cũng giữ vững được thành tích, liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. “Tháng 10, 11/2018 học sinh Hà Nội đã xuất sắc giành được 4 huy chương trong kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn 2018 tại Trung Quốc (1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng). 20/20 học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi Toán và Khoa học IMSO 2018 tại Trung Quốc cũng đều đạt huy chương (7 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng).
Không chỉ thế, 48/48 học sinh tham gia kỳ thi Thử thách nhà Toán học tương lai CFM tại Indonesia đều đạt giải và huy chương (48 giải cá nhân, bao gồm: 7 huy chương Vàng, 16 huy chương Bạc, 20 huy chương Đồng, 5 giải Khuyến khích; 9 giải đồng đội, gồm: 1 giải Vô địch, 4 giải Nhất, 4 giải Nhì)” - Phó Giám đốc Lê Ngọc Quang chia sẻ.
Đóng góp vào kết quả trên có công lao lớn của đội ngũ quản lý, nhà giáo cùng các em học sinh. Thêm vào đó, ngành giáo dục Thủ đô luôn đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, tiếp cận theo định hướng giáo dục phổ thông mới. Cùng với đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn, ngành cũng chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức, pháp luật và ý thức công dân cho học sinh…
Việc thi, kiểm tra, đánh giá được xác định là một trong những giải pháp chính để thay đổi cách dạy và học. Với lợi thế phát triển của công nghệ thông tin, ngành đã đột phá đổi mới công tác tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến. Nhờ hình thức này, phụ huynh giảm bớt đi lại mà thông tin đăng ký vẫn đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan. Đồng thời đảm bảo quyền lợi của học sinh tham gia tuyển sinh theo đúng tuyến. Từ chỗ năm học 2016 - 2017 tuyển sinh trực tuyến chỉ chiếm 55,74% đến năm học 2018 - 2019 tăng lên 78,5%.
Đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế
Song song với việc nâng cao chất lượng toàn diện, hội nhập quốc tế trong GD&ĐT cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục Thủ đô quan tâm đẩy mạnh. Cùng với việc phát triển đa dạng hóa các loại hình trường, ngành đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực cho giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Kể từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng thực hiện Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc - Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An. Năm học 2018 - 2019, TP tiếp tục mở rộng mô hình này tại một số trường phổ thông.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục Thủ đô cũng tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ giáo dục cấp quốc tế để tạo sân chơi trí tuệ, bổ ích cho học sinh như: Giải vô địch Tranh biện Hà Nội mở rộng lần thứ nhất, Vô địch Toán cấp trung học Úc mở rộng, cuộc thi Toán quốc tế Kangaroo, kỳ thi quốc tế “Toán học Hoa Kỳ”, kỳ thi “Thách thức tư duy Thuật toán Bebras”… Ngành giáo dục TP đã tổ chức thành công kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng năm 2018…
Để thực hiện thành công Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, các trường phổ thông ở Thủ đô đã có nhiều cải tiến về hình thức, phương pháp dạy học. Đặc biệt là phương pháp dạy ngoại ngữ theo hướng nâng cao năng lực cho học sinh, chất lượng giáo viên và trình độ ngoại ngữ của học sinh Hà Nội đã có nhiều bước tiến rõ rệt. Trên 80% giáo viên đạt chuẩn năng lực Tiếng Anh theo khung chuẩn chung châu Âu. Về phía học sinh, các em đã chủ động trong các giờ học tiếng Anh trên lớp, tham gia tốt trong các nhóm thảo luận, phát triển kỹ năng, hướng đến sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp.
Bên cạnh đó, nhiều sân chơi tiếng Anh được tổ chức góp phần giúp học sinh hình thành kỹ năng nghe, nói, đọc viết. Học sinh Thủ đô có tiến bộ rõ rệt về kỹ năng nghe nói, giúp các em tự tin trong môi trường giao tiếp tiếng Anh. Không chỉ thế, hiện nay, các môn Toán - Khoa học bước đầu được dạy bằng tiếng Anh trong trường chất lượng cao, trường chuyên và tiếp sau là các trường khác, tiếp cận với bộ sách song ngữ tiếng Anh…
Để học sinh học toàn diện, bắt đầu từ năm học 2019 - 2020, học sinh thi vào lớp 10 sẽ thực hiện 4 bài thi trong đó có môn Ngoại ngữ thi tự luận kết hợp trắc nghiệm. Theo Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản, sở dĩ Sở lựa chọn Ngoại ngữ bởi đây là môn điều kiện để giúp học sinh có công cụ hội nhập quốc tế. Môn thứ tư đến tháng 3 mới thông báo với mục đích để các em học toàn diện hơn.
Trao đổi về định hướng hoạt động của ngành trong thời gian tới, TS Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được, cùng với sự đổi mới quản lý và quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, Hà Nội sẽ xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.
Bên cạnh trí dục, ngành coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh. Đồng thời, chỉnh lý, bổ sung, giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô” và bộ tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông Hà Nội”, góp phần bồi dưỡng, vun đắp, khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của học trò. Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết quốc tế và tăng tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; khuyến khích đa dạng hóa phát triển trường lớp học ngoài công lập và hội nhập quốc tế…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần