Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành giáo dục Thủ đô lan tỏa hành động bảo vệ môi trường

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ III” nằm trong chương trình truyền thông“Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023”do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở TN&MT tổ chức đến nay đã chuẩn bị đến ngày trao giải.

Với 2.026 bài dự thi của ngành Giáo dục Thủ đô là một bước đột phá tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, lan tỏa mạnh mẽ hành động bảo vệ môi trường trong cán bộ, giáo viên và các em học sinh.

Sức hút từ cuộc thi

Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ III”chính thức được phát động vào ngày 24/4/2023 và kết thúc thời gian nhận bài vào 25/9/2023 (do để bảo đảm chất lượng cuộc thi nên Ban Tổ chức đã gia hạn thêm thời gian nhận bài 25 ngày, ban đầu là kết thúc nhận bài vào 31/8/2023).

Học sinh Hà Nội tham gia hưởng ứng trồng cây xanh bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng
Học sinh Hà Nội tham gia hưởng ứng trồng cây xanh bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng

Mặc dù thời gian triển khai cuộc thi khá gấp rút, tính từ phát động đến khi kết thúc nhận bài dự thi trong vòng 5 tháng song năm nay cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo độc giả cả nước, đặc biệt là những người đang sinh sống, học tập, công tác trên địa bàn Hà Nội. Tổng số lượng bài dự thi năm nay là 2.360 bài - tức gấp gần 5 lần so với năm ngoái (525 bài) và gấp gần 8 lần so với năm đầu tiên – 2020 (299 bài).

Nhìn chung bài dự thi đã đáp ứng được mục tiêu đề ra là lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường TP Hà Nội đến đông đảo cộng đồng ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Đặc biệt, có không ít tác phẩm dự thi của các phóng viên, nhà báo, chuyên gia… đã chạm trúng vấn đề trong cải thiện môi trường của Hà Nội, được thể hiện với nhiều thể loại khác nhau, nhưng phần lớn thể hiện rõ nét phong cách báo chí hiện đại – báo chí thời công nghệ số, như: Longform, eMagazine, Multimedia, Megastory...

Một trong những thành công đáng ghi nhận của cuộc thi là bên cạnh những tác giả gạo cội là những chuyên gia, phóng viên, nhà báo, đã có hàng nghìn bài dự thi của cán bộ, giáo viên, học sinh 82 trường trên địa bàn Thủ đô.

Chất lượng bài thi dù chưa như mong muốn nhưng rõ ràng sự vào cuộc tích cực của ngành giáo dục mà cụ thể là Sở GD&ĐT đã lan tỏa được ý thức, trách nhiệm đối với môi trường Thủ đô không chỉ trong cán bộ giáo viên gần 100 trường học mà còn lan tỏa được vào tư duy trong đông đảo các em học sinh ở các cấp khác nhau. Có thể kể đến: Trường THCS Phú Diễn A (quận Bắc Từ Liêm) với 133 bài; THCS Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) với 299 bài; Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) với 201 bài; Trường Tiểu học Ba Trại A (huyện Ba Vì) với 326 bài; Trường THCS Trần Đăng Ninh (quận Hà Đông) với 178 bài...

Lan tỏa bằng nhiều hành động thiết thực

Theo tìm hiểu của Kinh tế & Đô thị, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức để mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh cùng hành động bảo vệ môi trường, Sở GD&ĐT TP đã triển khai sâu rộng tới hệ thống trường học các cấp bằng Công văn số 1735/SGDĐT-CTTT-KHCN ngày 26/5/2023 về việc đề nghị các trường tham gia Chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội do Báo Kinh tế & Đô thị chủ trì.

Ngay sau đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, phát động về công tác bảo vệ môi trường nói chung và Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023” nói riêng, lôi cuốn được sự tham gia tích cực của học sinh, thầy cô giáo; giúp nâng cao nhận thức của học sinh về các vấn đề môi trường, tạo được hứng thú trong học tập và khuyến khích sự chủ động tìm hiểu của học sinh.

Đáng nói, các hoạt động giáo dục truyền thông tại trường học còn lan tỏa tới cha mẹ học sinh và được sự ủng hộ nhiệt tình. Nhiều cha mẹ học sinh đã động viên, thúc đẩy con em mình tham gia chủ động vào công tác bảo vệ môi trường của nhà trường như: không sử dụng, xả thải những vật dụng làm bằng ni lông ra môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi qui định của khu dân cư; duy trì việc vệ sinh phòng học, lớp học và tổng vệ sinh toàn trường hàng tuần. Cùng với đó chăm sóc cây xanh tại lớp, không vứt rác bừa bãi, sử dụng tiết kiệm nước, vẽ tranh về môi trường, tham gia các cuộc thi về môi trường.

Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nói chung, lồng ghép vào các bài giảng, các giờ sinh hoạt tập thể, các buổi hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; quan tâm xây dựng trường học xanh, thực hiện chương trình “Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh” nhằm mục đích giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường tại trường học; đào tạo và rèn luyện cho thế hệ trẻ có lối sống xanh, thay đổi hành vi và hướng tới xây dựng Hà Nội xanh cho các em học sinh trên địa bàn TP.

Có thể kể đến như dự án “Trường học không rác thải nhựa” của cô Nguyễn Xuân Thanh, tổ trưởng chuyên môn khối 3, Trường Tiểu học Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Hay như dự án “Vườn xanh 0 đồng” của thầy và trò Trường Mầm non Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng là dự án bảo vệ môi trường có ý nghĩa. Sau một thời gian thực hiện, các dự án đều đã truyền đến các em học sinh, các bậc phụ huynh thông điệp tích cực về việc bảo vệ môi trường ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, mầm non, tiểu học.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, nâng cao nhận thức và lan tỏa hành động bảo vệ môi trường trong nhà trường là việc rất đáng biểu dương và cần nhân rộng. “Ngay việc ngành giáo dục dự thi Cuộc thi viết về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội với số lượng lớn đến hàng nghìn bài cũng là hành động bảo vệ môi trường thiết thực. Có như vậy mới mong một Hà Nội xanh, sạch, đẹp bền vững” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhìn nhận.