Ngành Giao thông chuẩn bị sẵn phương án đối phó với cơn bão số 3

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những diễn biến mới nhất của cơn bão số 3 vẫn được cập nhập thường xuyên và các phương án ứng phó với mưa bão cũng đã được ngành giao thông chuẩn bị sẵn sàng.

Đây là khẳng định của ông Trần Hưng Hà - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) về công tác chuẩn bị đối phó với những diễn biến bất thường của cơn bão số 3 đang tiến sát vào đất liền nước ta.
Theo dõi chặt biến động của sức gió
Trao đổi với PV sáng 2/8, ông Trần Hưng Hà cho biết, theo kết quả đo được lúc 10h sáng 2/8, sức gió đo được tại cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) khoảng 6m/giây, vẫn trong giới hạn cho phép nên các phương tiện ô tô và xe máy vẫn được phép lưu thông qua cầu.
Theo ông Hà, do ảnh hưởng của bão số 3, hiện sức gió tại một số cầu lớn ở Hải Phòng, Quảng Ninh đã tăng lên nhưng vẫn ở mức cho phép. Thế nên cơ quan chức năng chưa hạn chế phương tiện qua lại. Tuy nhiên, nếu sức gió mạnh hơn có thể cấm cầu.
Cầu Bạch Đằng chính thức cấm xe qua lại.
Cụ thể, trường hợp gió giật cấp 7 (từ 15m/giây) sẽ cấm xe máy qua các cầu trên, và gió cấp 8 (từ 20m/giây) sẽ cấm ô tô qua cấu. “Các lực lượng đã được bố trí túc trực 24/24h tại các cầu, thực hiện đo sức gió liên tục. Nếu sức gió vượt ngưỡng cho phép sẽ thực hiện hạn chế phương tiện qua các cầu”, ông Trần Hưng Hà nói.
Về công tác chuẩn bị nhằm đối phó với cơn bão số 3 dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trong chiều tối nay (2/8), ông Trần Hưng Hà cho biết, hiện đơn vị đã lên phương án và chỉ đạo các đơn vị liên quan có phương án ứng phó bão. Đặc biệt với một số cầu lớn, cầu vượt biển như: Bãi Cháy, Bạch Đằng (Quảng Ninh), Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng).
Bên cạnh đó, tại các tỉnh phía Bắc, do ảnh hưởng của bão số 3 nên xảy ra mưa lớn, một số vị trí đường bị sạt lở, hư hỏng, như ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn. Dù vậy, những sạt lở không lớn, nên các đơn vị đã thực hiện xử lý ngay, đảm bảo giao thông thông suốt. Với phà, theo ông Trần Hưng Hà, do Sở GTVT các địa phương trực tiếp quản lý, điều hành.
Trong khi đó, Cục Đường Thủy nội địa và Cục Hàng hải cũng lên phương án, chỉ đạo các lực lượng liên quan sẵn sàng đối phó với diễn biến mới nhất của mưa bão. Theo đó, nếu mưa lớn, sóng và gió to, các phà phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Các lực lượng liên quan có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền ứng phó bão. Đặc biệt tránh trường hợp tàu mất neo va đạp vào các công trình khác, như trường hợp tàu va vào cầu Bính.
Đối với ngành Hàng không, cập nhập mới nhất từ sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Bi (Hải Phòng) trong sáng 2/8 cho thấy, theo kế hoạch hai sân bay này sẽ thực hiện đóng cửa từ 12h ngày 2/8 tới 12h ngày 3/8. Do đó, các chuyến bay đi và đến 2 sân bay này vào khung giờ trên đều phải huỷ. Một số chuyến bay khác cũng được điều chỉnh giờ khởi hành để tới 2 sân bay này khi đã mở cửa trở lại.
Quảng Ninh đã cấm qua cầu Bạch Đằng
Trong một diễn biến khác, ngày 2/8 Công ty Cổ phần BOT Cầu Bạch Đằng cho biết đã ra phương án cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Bạch Đằng để đảm bảo ATGT, ANTT, cứu hộ cứu nạn do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Nhằm chuẩn bị một cách tốt nhất phương án đối phó với diễn biến bất thường của mưa bão, Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cũng đề nghị Đội TTKS giao thông đường cao tốc số 2, TTGT Sở GTVT Quảng Ninh hỗ trợ điều tiết, phân làn giao thông; lực lượng cứu hộ, cứu nạn bố trí các trung tâm y tế và công ty cứu hộ gần nhất.
Đối với Công ty 248, Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng đề nghị ổ chức bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để trực tiếp triển khai phương án cấm cầu; Công ty 909 được đề nghị bố trí lực lượng thông báo về việc cắm cầu lại các nút giao Minh Khai, Hoàng Tân, Tiền Phong để các lái xe chủ động chọn đi hướng khác. 
Đối với Công ty VIDIFI, Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng đề nghị hỗ trợ thông báo tại các trạm thu phí, trạm cân bằng loa, bảng điện tử về vệc cấm các phương tiện qua cầu Bạch Đằng để các lái xe chủ động đi đường khác sang Quảng Ninh; Công ty Biên Cương được đề nghị hỗ trợ thông báo tại các trạm thu phí, bảng điện tử để các lái xe chủ động chọn đi đường khác để việc cấm cầu được thực hiện thuận lợi, an toàn.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chốt chặn tại hai vị trí trọng yếu trên cầu là RAMP 01 và RAMP 03; tổ chức cắm 2 biển dẫn hướng, một biển báo ghi nội dung “Cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Bạch Đằng” cùng 20 dải phân cách, 2 đèn báo hiệu ban đêm; 2 rào chắn di động bằng sắt.
Tại Trạm thu phí cầu Bạch Đằng cũng bố trí 3 cán bộ trực và cắm 2 biển dẫn hướng, một biển báo ghi nội dung “Cấm các phương tiện lưu thông, qua cầu Bạch Đằng”, 40 dải phân cách, 3 đèn báo hiệu ban đêm; 3 rào chắn di động bằng sắt. Biển báo này cũng được cắm tại các nút giao (Minh Khai, Hoàng Tân, Phong Hải) hướng Quảng Ninh - Hải Phòng.
Ngay khi có thông báo chỉ đạo từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Ninh tất cả các điểm cấm tiến hành bố trí lực lượng, phương tiện vào vị trí và triển khai phương án phân luồng.